Các thành viên trong tổ nuôi tôm cộng đồng sẽ giúp đỡ, hỗ trợ lần nhau từ đó kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như gia tăng hiệu quả kinh tế.
Tăng hiệu quả, hạn chế được dịch bệnh nhờ nuôi tôm theo tổ cộng đồng
Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ. Hiện nay, diện tích nuôi tôm của tỉnh này đạt gần 3.100ha, sản lượng mỗi năm khoảng 18.000 tấn. Mặc dù vậy, nghề nuôi tôm ở tỉnh Quảng Nam vẫn ở quy mô hộ gia đình. Hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi chưa được đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, thủy lợi cho nuôi tôm hạn chế; nông hộ chưa đầu tư ao lắng, ao xử lý nước thải. Điều này dẫn đến môi trường nước trong ao nuôi tôm thường xuyên biến động. Hệ lụy là tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, lây lan thành dịch khiến nghề nuôi tôm thất bát, thua lỗ. Trước thực tế này, những năm qua, tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã hình thành các mô hình nuôi tôm theo tổ hội. Trong đó, những hộ nuôi có các ao tôm liền kề sẽ cùng liên kết với nhau, thả nuôi tôm cùng thời điểm cũng như hỗ trợ nhau về các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao hơn, khắc phục những hạn chế còn tồn tại.
Ông Trần Văn Nhật, thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Tổ nuôi tôm cộng đồng của tôi thành lập năm 2019, tổ có 10 người, tôi làm tổ trưởng. Anh em thành lập tổ để giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ nuôi trồng, thả giống, dọn hồ anh em cũng hợp đồng làm để làm đúng thời vụ, để mình nuôi thành công.
Trước đây, khi chưa có tổ cộng đồng, người dân ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam chủ yếu nuôi tôm theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Đến khi tổ cộng đồng ra đời, những hộ dân tham gia cũng được các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ các máy móc, thiết bị xử lý nước. Nhờ vậy, dịch bệnh trên tôm xuất hiện ít hơn, tỷ lệ rủi ro giảm đi đáng kể, người nuôi cũng nhờ vậy mà có lãi.
Lê Minh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Thực hiện theo chủ trương của Hội cấp trên, thời gian qua, xã đã thành lập được tổ hội nuôi tôm cộng đồng, mang tính tập thể, các hộ từng bước nâng cao được công tác vệ sinh môi trường đặc biệt là tương trợ giúp nhau, học tập kinh nghiệm trong thời gian qua. Từ khi ra đời mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt là quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường.
Theo đại diện Hội Nông dân TP Tam Kỳ, hiện nay, ngoài xã Tam Thanh thì trên địa bàn cũng đã thành lập được thêm 2 tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm cộng đồng. Các tổ hội này đang phát triển tốt, tôm thương phẩm trong các mô hình có giá trị cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Qua quá trình sản xuất, các thành viên trong tổ mỗi năm thu lãi từ 100 – 200 triệu đồng, có hộ đạt từ 300 – 400 triệu đồng mỗi năm, đời sống của người dân từng bước đi lên.
Võ Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP Tam Kỳ, Quảng Nam
Về các mô hình của các xã có mặt nước nuôi tôm, tiếp đến, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều tổ hội nghề nghiệp nữa. Bởi vì 3 tổ hội nghề nghiệp ở 3 địa phương phát triển rất tốt rồi. Do đó cố gắng mỗi năm, 1 đơn vị xã phương ít nhất thêm 1 đơn vị tổ hội để đời sống kinh tế của bà con đi lên.
Trong điều kiện khí hậu thay đổi thất thường, dịch bệnh trên tôm nuôi hoành hành như hiện nay thì rất cần những giải pháp để thích ứng phù hợp. Do đó, việc xây dựng các mô hình nuôi tôm theo tổ cộng đồng như ở Quảng Nam không chỉ tạo được sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hộ dân mà còn góp phần đưa nghề nuôi tôm ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả.