| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Hiệu quả nuôi tôm theo tổ cộng đồng

Thứ Sáu 06/02/2009 , 09:30 (GMT+7)

Nhờ vào những hoạt động thiết thực của tổ cộng đồng, cho nên kết quả đạt được rất tốt...

Nuôi tôm theo tổ cộng đồng cho năng suất rất cao

Trong những năm qua người nuôi tôm Ninh Thuận vì phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, do vậy ý thức trách nhiệm của người nuôi chưa cao đã dẫn đến môi trường vùng nuôi tôm nhanh chóng bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi tôm. Nay, họ đã thay đổi phương thức sản xuất.

Năm 2005, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành thành lập thí điểm 4 tổ nuôi tôm cộng đồng tại các xã ven biển huyện Ninh Hải, và hiệu quả từ mô hình này rất khích lệ. Đến tháng 6 năm 2007, Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động các tổ nuôi tôm cộng đồng trên địa bàn xã An Hải và xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận cho biết: Trước khi thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát xác định địa điểm, qui mô diện tích, tổng số hộ tham gia theo từng tổ dựa trên đặc thù từng khu vực cụ thể. Đồng thời tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm tham gia thành lập các tổ nuôi tôm theo hình thức quản lý cộng đồng.

Trước khi thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng, Trung tâm Khuyến ngư Ninh Thuận soạn thảo Quy chế hoạt động của tổ cộng đồng. Theo đó người tham gia vào tổ cộng đồng sẽ được hỗ trợ kinh phí tổ chức các buổi họp; tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm; hỗ trợ 50% hóa chất dập dịch khi có dịch xảy ra. Bên cạnh đó các tổ còn được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các thông tin có liên quan đến nuôi tôm, như: mùa vụ thả tôm trong năm, giá cả thị trường, tình hình dịch bệnh.

Nhờ vào những hoạt động thiết thực của tổ cộng đồng, cho nên kết quả đạt được rất tốt. Qua thống kê cho thấy kết quả sản xuất tại các vùng nuôi tôm theo tổ cộng đồng đều đạt cao hơn so với các khu vực chưa thành lập tổ cộng đồng. Năng suất tôm thẻ bình quân đạt 9-12 tấn/ha, cao hơn các khu vực khác từ 1-3 tấn/ha. Tỷ lệ tôm bị dịch tại các tổ cộng đồng cũng rất thấp, chỉ có 8%, trong khi khu vực khác là 13%. Tỷ lệ hộ nuôi tôm có lãi chiếm 70-90%, so với toàn khu vực là 70%. Nhiều hộ nuôi tôm chân trắng trong tổ cộng đồng năng suất đạt từ 18 đến 25 tấn/ha, lợi nhuận đạt 100-200 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Lâm cho biết: Từ việc nuôi tôm theo tổ cộng đồng tại Ninh Thuận đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình tiên tiến như hộ ông Nguyễn Thanh Hùng, Trần Mạnh Long tổ cộng đồng số 3 xã An Hải, ông Tu Thanh Hường, Ngô Văn Hải tổ cộng đồng số 1, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh. Những hộ nuôi tôm này đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước đã thành lập được 7 tổ nuôi tôm cộng đồng, trong đó xã An Hải 4 tổ và xã Phước Dinh 3 tổ. Như vậy cho đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận đã thành lập được 11 tổ nuôi tôm theo cộng đồng, bình quân mỗi tổ có khoảng 15 hộ tham gia với diện tích từ 10 – 15ha.

Bên cạnh năng suất cao, thì thông qua nuôi tôm theo tổ cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều hộ nuôi tôm được nâng cao. Các hộ đã chọn con giống tốt, thả mật độ vừa phải, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học. Mối quan hệ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất được xiết chặt, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn. Ông Lâm cho biết: Hoạt động hiệu quả từ nuôi tôm theo tổ cộng đồng ngoài việc tiếp tục duy trì các tổ hiện có thì trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành lập các tổ nuôi tôm theo cộng đồng mới ở các địa phương nuôi tôm khác trong toàn tỉnh.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.