KOPIA hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lạc, dâu tằm tơ. Kiểm lâm Tây Ninh giải quyết hơn 4.000ha đất lâm nghiệp vi phạm. Doanh nghiệp cần nhận thức trách nhiệm nộp quỹ phòng, chống thiên tai. Thanh long khan hiếm, thương lái săn lùng.
KOPIA HỖ TRỢ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM LẠC, DÂU TẰM TƠ
Chiều 16/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi Tiếp và làm việc với Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc – KOPIA, ông Chang An ChơnÔng Chang An Chơn cho biết,KOPIAsẽ hết lòng hỗ trợ dự án phát triển ngành sản xuất lạc theo hướng chuỗi giá, trị từ cung cấp giống lạc chất lượng cao cho tới các sản phẩm chế biến. Đại diện KOPIA cũng kỳ vọng dự án phát triển dâu, tằm tơ được mở rộng hơn nữa, nhất là phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị KOPIA thông qua trung tâm đầu mối chiến lược hợp tác tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT trong các lĩnh vực mà phía Hàn Quốc có thế mạnh, phù hợp với Chương trình Kế hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 2030 và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ NNPTNT.
KIỂM LÂM TÂY NINH GIẢI QUYẾT HƠN 4.000HA ĐẤT LÂM NGHIỆP CÓ VI PHẠM
Ngày 16/5, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng ngành. Mặc dù đối mặt không ít khó khăn thách thức, hiện lực lượng Kiểm lâm Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, rừng được quản lý, bảo vệ phát triển ổn định, ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, về giải quyết tình trạng lấn, chiếm đất rừng phòng hộ, đặc dụng toàn tỉnh đã giải quyết được hơn 4.000ha diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ, với diện tích hơn 73 nghìn ha, trong nhiều năm, rừng Tây Ninh được bảo vệ tốt, đặc biệt nạn phá rừng để làm rãy gần như không còn. Giám đốc Sở NN-PTNT yêu cầu lực lượng Kiểm lâm phải giữ nguyên và phát triển thêm hiện trạng rừng và tỷ lệ che phủ rừng, góp phần sự nghiệp chung của ngành nông nghiệp.
DOANH NGHIỆP CẦN NHẬN THỨC TRÁCH NHIỆM NỘP QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 diễn ra sáng 16/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, TP.HCM là địa phương có khí hậu đặc biệt, tuy nhiên, thời gian gần đây, thành phố cũng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, sự thay đổi thời tiết, nắng nóng, hạn hán, khô hạn, thiếu điện. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong tất cả các khâu, từ tổ chức công việc cho đến đầu tư, xây dựng, tuyên truyền, vận động… để cả hệ thống đều ý thức đây là việc làm thường xuyên và chủ động ứng phó kịp thời trong mọi tình huống. Đặc biệt, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội xung kích phòng, chống thiên tai tại các xã, phường, thị trấn và tuyên truyền cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn nhận thức trách nhiệm và nghĩa vụ phải nộp quỹ Phòng, chống thiên tai.
TIỀN GIANG: THANH LONG KHAN HIẾM, THƯƠNG LÁI SĂN LÙNG
Ngày 16/5, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thanh long ruột đỏ tỷ lệ trái đẹp cao được các thương lái mua xô tại vườn khoảng 29.000 đồng/kg. Tại các vựa, giá thanh long ruột đỏ loại 1 là 42.000 đồng/kg, loại 2 là 37.000 đồng/kg, loại 3 là 32.000 đồng/kg, loại 4 là 21.000 đồng/kg, loại ép lấy nước là 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng thanh long không nhiều. Nói về nguyên nhân giá thanh long ở mức cao, ông Nguyễn Văn Út, một thương lái ở xã Tân Bình Thạnh cho hay: Hiện nay, không nhiều vườn thanh long có trái chín, khoảng nửa tháng nữa sản lượng mới tăng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, mỗi vụ xông đèn, năng suất thanh long ruột đỏ nghịch vụ (xông đèn) đạt bình quân khoảng 1 tấn/công. Nông dân có kỹ thuật sản xuất tốt, sản lượng có thể đạt đến 1,5 tấn/công. Từ đầu năm đến nay, giá mua xô tại vườn rẻ nhất ở mức 18.000 đồng/kg (đối với trái nặng từ 360g trở lên), cao nhất đối với thanh long loại 1 là 45.000 đồng/kg. Nhà vườn có lãi khá đủ trả nợ do thua lỗ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát năm 2021.