Hiểm họa tại các chợ truyền thống xuống cấp. Xuất khẩu rau quả sang Hà Lan 4 tháng đầu năm tăng hơn 72%. Huy động nguồn lực xử lý 79 điểm sạt lở đầu nguồn sông Tiền. Khoảng 500 hộ dân ở huyện Cờ Đỏ không có điện sử dụng.
HIỂM HỌA TẠI CÁC CHỢ TRUYỀN THỐNG XUỐNG CẤP
Toán Nguyễn
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có nhiều chợ truyền thống đang hoạt động trong tình trạng xuống cấp, không được đầu tư, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy và không đủ kiện tối thiểu cho việc họp chợ.
Điển hình như Chợ đầu mối nông sản Túc Duyên, chợ Dốc Hanh, Tân Lập, Bờ Hồ, Đán… Đây là các chợ nằm ở vị trí tập trung đông dân cư, nên lượng người mua bán và trao đổi hàng hóa lớn.
Điểm chung của các chợ nói trên là được xây dựng từ nhiều năm, từ mái che cho tới nền chợ đã hư hỏng nhưng không được đầu tư sửa chữa. Thậm chí là ở vị trí sạp hàng của người nào, thì người đó phải tự gia cố, tu sửa. Hệ thống thoát nước thải chỉ là những rãnh nổi tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh.
Thành phố Thái Nguyên cũng đã đưa vào kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nhiều chợ truyền thống đã xuống cấp từ trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn tồn tại, ảnh hưởng tới việc giao thương, buôn bán của nhân dân.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ SANG HÀ LAN 4 THÁNG ĐẦU NĂM TĂNG HƠN 72%
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 4 đạt 391 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành rau quả đạt 1,4 tỉ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Hiện tại, 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan.
Đáng chú ý, rau quả xuất khẩu tới Hà Lan 4 tháng đầu năm đạt 45,5 triệu USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2022, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Sau Hà Lan, xuất khẩu rau quả sang Malaysia tăng trưởng 34%, Trung Quốc tăng hơn 30%.
HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XỬ LÝ 79 ĐIỂM SẠT LỞ ĐẦU NGUỒN SÔNG TIỀN
Để bảo vệ sản xuất và tài sản của nhân dân, các huyện vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang gồm: Cai Lậy, Cái Bè đang phải huy động các nguồn lực, xử lý 79 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 3.300m với kinh phí trên 67,6 tỷ đồng.
Địa phương đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cái Bè, huyện Cái Bè, quy mô đầu tư 300 tỷ đồng nhằm bảo vệ 560 ha đất sản xuất cũng như an toàn tính mạng và tài sản nhân dân địa phương.
Thực tế cho thấy, phía đầu nguồn sông Tiền, các địa phương trên có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nguy cơ sạt lở rất cao. Theo đánh giá của ngành chức năng, do nhiều nguyên nhân như: biến đổi dòng chảy, nền đất yếu… khiến tình trạng sạt lở bờ ngày càng phức tạp, khó lường, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống cũng như an toàn tính mạng người dân.
KHOẢNG 500 HỘ DÂN Ở HUYỆN CỜ ĐỎ KHÔNG CÓ ĐIỆN SỬ DỤNG
Văn Vũ
Số liệu thống kê từ Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết, địa phương đang có khoảng 500 hộ dân không có điện sử dụng. Trong đó, 316 hộ câu điện vượt sông, 181 hộ xài điện câu đuôi, 14 hộ 40 năm không biết tới ánh sáng đèn điện.
Trước những khó khăn thiếu điện gây ra, người dân nơi đây đều mong muốn chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng sớm giải quyết để mang lại cuộc sống ổn định
Theo UBND huyện Cờ Đỏ, nguyên nhân thiếu điện của nhiều hộ dân là do người dân sinh sống chủ yếu tại nhiều tuyến kênh chưa có đường giao thông, chủ yếu bằng đường sông, hoặc đi bộ theo các lối mòn nên gây khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng điện.
Huyện Cờ đỏ đã đề nghị điện lực TP.Cần Thơ sớm nâng cấp, cải tạo và đầu tư lưới điện phục vụ người dân trên địa bàn huyện trong thời gian tới.