Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ tăng trưởng ấn tượng nhờ sự thấu hiểu lẫn nhau. Thừa Thiên Huế có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới. 80% giám đốc HTX nông nghiệp được đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc. Hoa tươi Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại Nhật Bản.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀO HOA KỲ TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG NHỜ SỰ THẤU HIỂU LẪN NHAU
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm, làm việc tại thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ từ ngày 11 đến 17.5 tới. Đây là sự kiện được chuyên gia đánh giá sẽ “mở trang mới” cho thương mại đầu tư giữa 2 quốc gia. Tính đến cuối tháng 4, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 4,9 tỉ USD, chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của cả nước. Đặc biệt, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta vào thị trường này. Giới chuyên gia nhận định, nông sản nói riêng và hoàng hoá từ Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội tăng tốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong thời gian tới. Mới đây, cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ chính thức công bố kết thúc điều tra về tiền tệ và gỗ từ VN vaf không áp thuế phòng vệ thương mại với hàng gỗ VN. Việc thấu hiểu nhau hơn trong trao đổi thương mại 2 nước là rất quan trọng, tạo nền tảng để nhà đầu tư kinh doanh tin cậy, tăng giao thương nhiều hơn.
Sau hơn 10 năm nỗ lực, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và là huyện đầu tiên của Thừa Thiên Huế đạt danh hiệu này. Giai đoạn xây dựng nông thôn mới từ 2011 - 2020 huyện Quảng Điền có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã được đổi mới, khởi sắc, khang trang, sạch đẹp hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt. Quảng Điền cũng xây dựng một số sản phẩm chủ lực như: trà rau má, bột matcha rau má Quảng Thọ, rau xanh Vietgap Hóa Châu, Quảng Thành, mướp đắng Quảng Thái, khoai lang tím Quảng Công, lúa Bắc Thơm 7,….. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm dưới 5%; 100% xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo.
80% GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP NGHỀ GIÁM ĐỐC
Ngày 10/5, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp. Tại Hội nghị, các chuyên gia, diễn giả đã thông tin về chương trình, giáo trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp cũng như kế hoạch triển khai chương trình đào tạo giám đốc HTX nông nghiệp trong thời gian tới. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2030, trên 80% giám đốc HTX nông nghiệp được đào tạo trình độ sơ cấp nghề giám đốc trở lên. Các địa phương cho biết, đã có hơn 17.400 cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác, lao động có mong muốn bổ sung kiến thức về HTX nông nghiệp có nhu cầu đăng ký đào tạo từ nay đến năm 2025.
HOA TƯƠI VIỆT NAM NGÀY CÀNG CÓ CHỖ ĐỨNG TẠI NHẬT BẢN
Tại Nhật Bản, nhiều loại hoa của Việt Nam đã tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng nước bạn khá ưa chuộng. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các loại hoa xứ sở hoa anh đào nhập khẩu nhiều từ Việt Nam là hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa ly, hoa lan và hoa hồng. Trong những năm gần đây, xuất khẩu hoa của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hoa của Việt Nam đã đạt 61,8 triệu USD, tăng 27% so với năm 2020. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cảnh báo việc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đã khó nhưng việc duy trì chỗ đứng còn khó hơn nhiều. Vì vậy, các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu hoa Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo chất lượng hoa theo đúng cam kết với đối tác như chiều dài của cành, số lượng bông và kích thước của bông hoa… Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm dịch thực vật và về sử dụng hóa chất để bảo quản hoặc tạo màu cho hoa của Nhật Bản