Quy hoạch thủy lợi sẽ đảm bảo được các mục tiêu và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai đúng với yêu cầu của một quy hoạch ngành quốc gia.
Tích hợp quy hoạch thủy lợi để khai thác tối đa giá trị nguồn nước
Nước là khởi nguồn của sự sống.
Cũng chính vì vậy, khi tìm kiếm sự sống của một hành tinh, điều chúng ta quan tâm trước tiên là ở đó có tồn tại nguồn nước hay không.
Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, nước là nguồn tài nguyên vô tận. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 0,3% trong số đó là nước ngọt mà chúng ta có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt hàng ngày.
Trong tương lai, nước sạch sẽ là nguồn tài nguyên quý hiếm. Sẽ không khó tưởng tượng ra viễn cảnh xung đột giữa các quốc gia xung quanh việc chiếm hữu nguồn nước sinh hoạt. Từ đó, nảy sinh ra những khái niệm mới, đó là “an ninh nguồn nước” hay “chiến tranh nguồn nước”.
Bởi vậy, nghệ thuật trị thủy sẽ là yếu tố quyết định sự ổn định bền vững của mỗi quốc gia. Và nghệ thuật trị thủy, luôn bắt đầu từ vấn đề quy hoạch các hệ thống sông ngòi, làm cơ sở để đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi điều tiết nguồn nước và phòng, chống thiên tai.
Ngày 9/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập quy hoạch Phòng, chống thiên tai và thủy lợi.
Cho đến nay chưa có một quy hoạch ở quy mô quốc gia về phòng, chống thiên tai và thủy lợi. Hệ thống các quy hoạch thủy lợi lưu vực sông, vùng, quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều của Việt Nam trước đây đã được lập và triển khai thực hiện qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước mới chủ yếu giải quyết từng mục tiêu, đối tượng, vùng miền, lưu vực sông riêng lẻ, chưa có sự liên hệ, kết nối ở phạm vi quốc gia.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 chúng ta đã xác định là đất nước phải phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh thì chúng ta đa có các giải pháp nhưng để phát triển bền vững thì phải có tầm nhìn, phải có một sự chuẩn bị và đặc biệt là công tác quy hoạch phải đi trước. Bởi vì nếu chúng ta không đảm bảo được quy hoạch nói chung của đất nước này thì rất khó cho câu chuyện bền vững của quốc gia.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho quy hoạch hạ tầng thủy lợi và hạ tầng của ngành nông nghiệp thì có rất nhiều nhiệm vụ. Trước mắt chúng ta đang phải hoàn thành quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm quy hoạch ngành quốc gia.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, để giải quyết bài toán chống hạn và trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế, hàng loạt các công trình thuỷ lợi lớn đã được đầu tư xây dựng. Điển hình như các hồ Xạ Hương, Vân Trục, Bò Lạc... các trạm bơm lớn như Bạch Hạc, Đại Định... phục vụ cấp nước cho hàng chục nghìn ha.
Tuy nhiên, trước xu thế biến đổi khí hậu, nhất là sự biến đổi dòng chảy của các hệ thống sông; các loại hình thiên tai cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục rà soát và xây dựng quy hoạch thủy lợi cho toàn tỉnh và tích hợp vào quy hoạch chung của quốc gia.
Ông NGUYỄN ĐẠI NGHĨA - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc
Trên cơ sở những định hướng và những khuyến cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi, chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch của tỉnh và chúng tôi sẽ xây dựng lại làm sao để quy hoạch thủy lợi bám sát vào mục tiêu và định hướng của Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và viện quy hoạch thủy lợi, làm sao để cho chúng tôi phát triển thủy lợi tỉnh luôn luôn đạt 100%.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi là một quy hoạch ngành quốc gia, cần thiết phải có sự đồng bộ với các quy hoạch ngành khác.
Đặc biệt, với những biến động về nguồn nước và yêu cầu dùng nước hiện nay, cần đặt ra vấn đề chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng, như quy định tại Khoản 3, Điều 3, Luật Thủy lợi.
Bên cạnh đó, phải giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh, như: tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan, thiếu công trình, năng lực công trình không đảm bảo. Tác động của phát triển kinh tế xã hội và các thách thức bên ngoài đến các yêu cầu tích trữ, kết nối, điều hòa nguồn nước, giải quyết yêu cầu cấp nước cho các vùng khó khăn, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước; giải quyết các vấn đề tồn tại và các yêu cầu gia tăng trong tiêu, thoát nước; phòng, chống, né tránh hoặc chủ động sống chung với thiên tai lũ, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai khác do nước gây ra...;
Ông ĐỖ VĂN THÀNH - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ NN-PTNT)
Để lập được quy hoạch Phòng chống thiên tai, thủy lợi quốc gia với tầm nhìn 30 – 50 năm thì Viện tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn do tác động của biến đổi khí hậu, tác động của vấn đề phát triển kinh tế xã hội tác động lên các hệ thống thủy lợi. Thí dụ về mặt nguồn nước, hiện nay nhiều vùng thiếu nước thì chúng tôi phải cân bằng, cân đối lại để tích nước hoặc chuyển nước đến đó cho nó đảm bảo. Vấn đề thứ hai là vấn đề các lòng sông bị hạ thấp đáy do bùn cát bị xói, bị thiếu, do vậy phải làm thế nào để điều chỉnh hệ thống thủy lợi để cấp đủ nước trong tất cả các mùa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện trên cơ sở:
Nghiên cứu toàn diện về điều kiện tự nhiên, môi trường và xã hội. Bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường trong tổng thể phát triển liên ngành, liên vùng;
Bảo đảm tính thống nhất với chương trình phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước, với quy hoạch các ngành liên quan. Đặc biệt chú ý việc gắn kết quy hoạch này với quy hoạch thủy lợi cũng như quy hoạch phát triển tài nguyên nước; quy hoạch phát triển giao thông; công nghiệp, nông nghiệp – nông thôn; mục tiêu xóa đói – giảm nghèo, an ninh chính trị – xã hội và an ninh quốc phòng. Khai thác và sử dụng tiết kiệm, phù hợp với khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước lưu vực sông;
Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy sẽ đảm bảo được các mục tiêu, nội dung nghiên cứu tính toán và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi đúng với yêu cầu của một quy hoạch ngành quốc gia.
Qua đó, làm cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, quy hoạch chi tiết các lưu vực sông, vùng, địa phương./.