Tốc độ phát triển ngành chăn nuôi những năm tới sẽ còn cao hơn. Xuất khẩu nông sản sang EU đối diện thách thức sản xuất bền vững. Nhu cầu sử dụng cây thông giáng sinh tăng mạnh. Người dân Nghệ An trúng đậm mùa quả cọ.
TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI NHỮNG NĂM TỚI SẼ CÒN CAO HƠN
Phát biểu tại Hội nghị phát triển chăn nuôitrong tình hình mới tại tỉnh Hà Giang ngày 23/12, Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2022, Việt Nam đã khống chế cơ bản dịch cúm gia cầm và là quốc gia đầu tiên công bố vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang các thị trường lớn.Năm 2022, ngành chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định với tổng đàn lợn tăng 12,4%, đàn gia cầm tăng 5,4%, đàn bò tăng 3,5%... Ước tính trong năm 2022, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 5 đến 5,5%, sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 triệu tấn.Thứ trưởng tin rằng, với quy mô, giá trị hơn 25% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp, tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi trong những năm tới sẽ còn cao hơn.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG EU ĐỐI DIỆN THÁCH THỨC SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, EU đã đạt được thỏa thuận chính trị về luật chống phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu được thúc đẩy bởi sản xuất và tiêu dùng của EU.Theo đó, sau khi được thông qua và áp dụng, luật mới đảm bảo một loạt hàng hóa chính được đưa vào thị trường EU sẽ không góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU và các nơi khác trên thế giới.Khi các quy định mới có hiệu lực, tất cả các công ty liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt nếu họ đặt hàng trên thị trường EU. Nhà khai thác và thương nhân sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng.Đây là một quy định khá khó khăn với Việt Nam, bởi nếu muốn đạt được yêu cầu này, chúng ta phải có được một hệ thống xuất xứ nguồn gốc đến từ nông hộ và đến từng vườn cà phê thì mới có thể chứng minh được sản phẩm không đến từ những vùng trồng phá rừng.
NHU CẦU SỬ DỤNG CÂY THÔNG GIÁNG SINH TĂNG MẠNH
Trước ngày Lễ Giáng sinh, sức mua quà tặng các mặt hàng trang trí, đặc biệt là xu hướng mua cây thông tươi nhập khẩu từ các nước để trưng bày tại TP. HCM năm nay tăng đáng kể.Tuy vậy, do tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng khá cân nhắc, lựa chọn các sản phẩm nhỏ hoặc cành tươi thay vì chọn cây lớn có giá cao. Thông tươi nhập từ Đan Mạch, Hà Lan có giá 1,6-2,2 triệu đồng/bó 5-6 cành; thông nhập từ Trung Quốc khoảng 200.000 đồng/cành; các loại thông nguyên cây để bàn giá từ 1,5-5 triệu đồng/chậu…Ngoài ra, nhiều mặt hàng trang trí cũng được bày bán đa dạng với giá bán dao động từ 250.000-500.000 đồng/túi gồm trái châu, dây trang trí; những món quà tặng như nón ông già Noel, quần áo hóa trang có giá từ 70.000-250.000 đồng/sản phẩm.
NGƯỜI DÂN NGHỆ AN TRÚNG ĐẬM MÙA QUẢ CỌ
Những ngày này, người dân các huyện miền núi ở Nghệ An bắt đầu thu hoạch quả cọ. Năm nay, cọ được mùa, sai quả, bán chạy, người trồng cọ rất phấn khởi.Theo người dân địa phương, năm nay, những cây cọ tốt cho 7 - 8 buồng, thậm chí hơn. Mỗi buồng nặng từ 8 - 12kg, hàng trăm quả. Giá cọ bán lẻ đầu mùa khoảng 20.000 đồng/kg, nay còn 10.000 đồng/kg. Nhiều lái buôn đến từng nhà đi mua cọ, thu gom quả cọ đưa về miền xuôi để bán. Kênh bán hàng online cũng góp phần tiêu thụ nhanh quả cọ ở các huyện.