Hàng Việt dễ 'vạ lây' khi bị nước thứ 3 mượn xuất xứ xuất khẩu. Nông dân vẫn xuống giống vụ Xuân sớm bất chấp khuyến cáo. Cấp 12.000 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông sản. Quảng Bình dành 20 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất muối.
HÀNG VIỆT DỄ "VẠ LÂY" KHI BỊ NƯỚC THỨ 3 MƯỢN XUẤT XỨ XUẤT KHẨU
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, EU, Canada… không chỉ sử dụng các công cụ phòng vệ truyền thống dành cho quốc gia đối tượng ban đầu, như chống bán phá giá, trợ cấp chính phủ… mà còn đang nhắm vào dấu hiệu “lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” của những nước mượn xuất xứ. Dấu hiệu “lẩn tránh” được hiểu là khi một nước xuất khẩu bị nước nhập khẩu tuyên bố áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng các doanh nghiệp của nước này đã “mượn xuất xứ” của nước thứ ba để xuất khẩu và lẩn tránh được mức thuế phòng vệ thương mại. Để hạn chế những rủi ro này, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, Thông qua theo dõi biến động xuất khẩu sang các thị trường, cần có cảnh báo kịp thời để doanh nghiệp chủ động ứng phó, tránh bị đưa vào danh sách điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ với mức thuế cao, ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành hàng xuất khẩu.
NÔNG DÂN VẪN XUỐNG GIỐNG VỤ XUÂN SỚM BẤT CHẤP KHUYẾN CÁO
Tại Nghệ An, còn 15 - 20 ngày nữa mới đến lịch gieo mạ vụ Xuân 2023, nhưng nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuống đồng làm đất gieo mạ và thậm chí có những nơi bà con đã tiến hành gieo sạ lúa Xuân 2023. Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, qua kiểm tra cho thấy, nông dân các huyện: Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa... đã xuống giống gieo mạ và gieo sạ lúa vụ Xuân từ ngày 20/12, phá vỡ lịch thời vụ chung của tỉnh. Do vậy, nguy cơ mạ sẽ gặp rét đậm, rét hại và lúa Xuân sẽ trổ vào khung thời tiết bất lợi.Trước thực trạng này, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ gieo cấy chung của tỉnh, những hộ chưa gieo mạ thì dừng ngay việc ngâm ủ giống.
CẤP 12.000 BỘ MÃ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NÔNG SẢN
Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, thời gian qua, TP đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, với "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội”.Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.275 cơ sở, với 12.286 bộ mã truy xuất nguồn gốc. Trong đó, có sản phẩm của 48 tỉnh, thành phố trên cả nước liên kết trong hệ thống với 2.024 sản phẩm của 457 cơ sở.Bên cạnh đó, Thành phố cũng duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất tại Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.
QUẢNG BÌNH DÀNH 20 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT MUỐI
UBND tỉnh Quảng Bình thông tin, hiện diện tích đất sản xuất muối và kế hoạch sử dụng đất làm muối của tỉnh đúng so với quy hoạch - chủ yếu muối thủ công với diện tích 72,5 ha, đất dịch vụ nghề muối 1 ha.Tuy nhiên, trong rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm muối giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Bình sẽ tăng diện tích làm muối lên 84 ha. Trong đó, muối thủ công sẽ còn 0 ha, dành 83 ha để làm muối công nghiệp, giữ 1 ha là đất dịch vụ nghề muối.Quảng Bình cũng dự kiến nhu cầu vốn để xây dựng các hạng mục phát triển sản xuất muối đến năm 2025 là khoảng 20,048 tỷ đồng.Một số hạng mục như nhà kho chứa nguyên liệu đầu vào; xây dựng nhà xưởng chế biến muối; thiết bị máy móc; xây dựng nhà trưng bày sản phẩm… sẽ được đầu tư xây dựng.