Để đảm báo tính mạng và tài sản của người dân trước mùa mưa bão, thành phố Hà Nội sẽ tổng rà soát các vị trí đê kè sông Hồng.
Tổng rà soát các vị trí đê kè sông Hồng xung yếu
Để đảm báo tính mạng và tài sản của người dân trước mùa mưa bão, thành phố Hà Nội sẽ tổng rà soát các vị trí đê kè sông Hồng.
Thời gian gần đây, người dân tại xóm Bãi, thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội luôn sống trong lo lắng khi nhiều ngôi nhà, công trình phụ của họ bị nứt, có nguy cơ bị sông Hồng “nuốt chửng”. Lòng sông ngày càng khoét sâu, bờ kè Phong Vân ngày càng bị sạt lở khiến nhà cửa, đất đai của các hộ dân ở đây bị ảnh hưởng.
Căn nhà của gia đình ông Ngô Văn Lịch ở thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì đã bỏ không được một thời gian vì không ai dám ở. Những vết nứt chạy dài từ nền lan rộng ra xung quanh nhà như muốn sập bất cứ lúc nào. Vết nứt xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán, ban đầu vết nứt nhỏ sau đó phát triển mở rộng và kéo dài ra sân, vườn của gia đình. Đến nay có 9 hộ dân cùng dải đất xuất hiện tình trạng này.
Ông NGÔ VĂN LỊCH
Thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội
“ Tất cả người dân trong xóm chúng tôi đều hoang mang, lo lắng chỉ sợ sụt tất như ở Sơn Tây vừa rồi, mất nhà mất cửa mất tất. Mong muốn của cũng tôi là được làm lại đường kè cho yên tâm dân làm ăn, còn như bây giờ không biết làm gì chỉ lo sợ tụt hết xuống sông”
Ở xóm Bãi, nhiều ngôi nhà trước đây được xây dựng khang trang, kiên cố giờ cũng đang đứng trước nguy cơ nứt toác bất cứ lúc nào bởi vị trí sạt lở đã tiến sát vào móng nhà của họ. Sống nơm nớp lo sợ trong những căn nhà này khiến người dân rơi vào tình cảnh “đi không được, ở không xong”
Bà NGÔ THỊ DÒN
Thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội
“ Bây giờ xóm tôi đây giờ rạn nứt lở hết, không biết trông mong vào đâu, làm được cái nhà lên để ở mà bây giờ sạt lở như thế này không biết kêu ai, không biết làm như thế nào, chỉ mong nhờ chính quyền cố gắng hỗ trợ giúp đỡ kè lại cho tôi đỡ lo lắng”
Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vết nứt song song với đỉnh kè. Các vết nứt trong khu vực vườn, tường rào và nhà dân cách đường đỉnh kè 15-20m, tổng chiều dài các vết nứt khoảng 150m. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình đê điều, Hạt Quản lý đê Ba Vì đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở.
Ông HỨA BÁ TRÌNH - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì, Hà Nội
“ Đối với lòng sông Đà so với thời điểm xây dựng thì lòng sông bị xói sâu từ 4-5 mét, chính vì thế ảnh hưởng đến mái chân kè, do lòng sông xói sâu dẫn đến chân kè bị sạt lở tạo thành mái đứng, hiện hệ số mái chân kè chỉ còn 0,5 -0,75.
Tình trạng sạt lở bờ sông chảy qua huyện Ba Vì đã diễn ra nhiều năm nay. Để bảo vệ đất đai của người dân khu vực này, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng tuyến kè Phong Vân rất kiên cố từ năm 2018. Người dân xóm Bãi đã hiến hàng nghìn mét vuông đất thổ cư để xây dựng tuyến kè. Tuy nhiên, khu vực này là hợp lưu 3 dòng sông: sông Đà, sông Thao, sông Hồng có chế độ thủy văn rất phức tạp. Thời gian gần đây, do mực nước sông Đà xuống thấp, dòng sông Thao đẩy mạnh sang, áp sát bờ hữu tạo thành những hố xoáy nước sâu gây nên hiện tượng xói lở chân kè.
Ông TRẦN THANH MẪN
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội
“ Đối với các vị trí sụt sạt như hiện nay trước mắt chúng tôi đã tham mưu cho Sở NN và PTNT chỉ đạo huyện Ba Vì cắm vị trí biển báo, cảnh báo và tuyên truyền cho các hộ gia đình thường xyên theo dõi nếu phát sinh vấn đề gì thì báo cáo ngay cho chính quyền để báo cáo lên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Thành phố.
Không chỉ ở Ba Vì, tình trạng sạt lở bờ sông Hồng còn thường xuyên xuất hiện ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn…Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông có xu hướng gia tăng với tính chất phức tạp và khó lường hơn. Do lòng dẫn các tuyến sông bị hạ thấp, dòng chủ lưu áp sát bờ sông, tuyến kè làm mất ổn định gây ra tình trạng sạt, trượt bờ sông, sự cố kè. Để bảo đảm an toàn đê, kè, chủ động ứng phó nguy cơ sạt lở bờ bãi sông, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Theo dõi diễn biến, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý kịp thời các sự cố.
Ông TRẦN THANH MẪN
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội
“ Công tác PCTT năm 2024 này chúng tôi sẽ phối hợp cùng UBND các quận huyện rà soát lại toàn bộ vị trí kè xung yếu, vị trí trọng điểm, tiếp đó chúng tôi xây dựng các phương án trình các cấp có thẩm quyền làm cơ sở thực hiện phương án PCTT hàng năm.
Trong khi chờ đợi chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng sạt lở, người dân sống bên bờ sông tiếp tục phải sống trong tình trạng tạm bợ. Mỗi ngày trôi qua, họ vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi lo, nỗi lo mất đất mất nhà và hơn hết là nỗi lo bất an luôn thường trực khi tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn.