| Hotline: 0983.970.780

Băm nát hành lang bảo vệ đê hữu Hồng [Bài 1]: Nhà hàng, trại nuôi động vật hoang dã 'bức tử' hành lang đê

Thứ Năm 01/06/2023 , 10:05 (GMT+7)

Hà Nội Trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã, nhà xưởng, công trình xây dựng kiên cố trên hành lang đê hữu Hồng tồn tại trái phép nhiều năm, chính quyền vẫn để tồn tại.

Trang trại, nhà hàng trên hành lang đê

Người dân xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) từ lâu không lạ về hình ảnh một nhà hàng sinh thái có tên “Gió sông Hồng” được xây dựng trên hành lang đê sông Hồng đoạn chảy qua khu vực này bởi công trình nằm sát Bến đò Dấp là nơi bà con địa phương và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên thường xuyên qua lại.

Khu nhà hàng sinh thái có diện tích hàng ngàn m2, nằm trọn vẹn trong hành lang đê Hữu Hồng. Ngoài dãy nhà hàng cấp bốn xây kiên cố, khu sinh thái còn có nhà sàn bằng gỗ dựng sát mép sông...

Nhà hàng, quán ăn xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ sông Hồng tại địa phận xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). Ảnh: Kiên Trung.

Nhà hàng, quán ăn xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ sông Hồng tại địa phận xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). Ảnh: Kiên Trung.

Khu vực này được treo biển kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ trong một thời gian dài. Ảnh: Huy Bình.

Khu vực này được treo biển kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ trong một thời gian dài. Ảnh: Huy Bình.

Điều đáng nói, trong quần thể khu sinh thái này, chủ nhân của nó còn xây dựng khu chuồng trại nuôi thả đà điểu, huơu sao, lợn rừng, gà chạy bộ… với diện tích hàng ngàn m2 trên hành lang đê.

Khu chuồng trại nuôi thả động vật được san mặt bằng khá bằng phẳng. Các chuồng nuôi nhốt được ngăn cách nhau bằng rào sắt kiên cố. Cuối mỗi chuồng nuôi còn được xây dựng thêm dãy chuồng để vật nuôi làm nơi trú ở.

Trong số các chuồng nuôi nói trên, đà điểu, hươu sao, lợn rừng… được nuôi thả ngoài trời. Số lượng vật nuôi chưa thống kê, tuy nhiên dễ dàng nhận thấy, có tới hàng vài chục cá thể đang được nuôi thả trên đất bãi, liền kề với đê hữu Hồng và chạy ra sát mép sông.

Trang trại nuôi thả đà điểu...

Trang trại nuôi thả đà điểu...

khu vực nuôi hươu sao...

khu vực nuôi hươu sao...

...và dãy chuồng nuôi thả lợn rừng trên hành lang đê sông Hồng: Ảnh: Huy Bình.

...và dãy chuồng nuôi thả lợn rừng trên hành lang đê sông Hồng: Ảnh: Huy Bình.

Đàn đà điểu với số lượng khoảng gần chục con, hầu hết đã trưởng thành với chiếc cổ cao lêu nghêu. Bức rào sắt mắt lưới b40 cao gần 2m, thế nhưng, loài chim khổng lồ này vẫn cao vượt đầu.

Liền bên, khu chuồng nuôi hươu sao khoảng vài chục con; đàn lợn rừng hầu hết đều đã trưởng thành, đen trùi trũi, mõm dài, nhọn hoắt và lớp lông cứng, dài đặc trưng…

Theo tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực nhà hàng sinh thái, chuồng trại động vật… trên hành lang thoát lũ đê hữu Hồng được xây dựng khoảng gần chục năm trước đây. Người dân cho biết, trước đó, nó thuộc sở hữu của một người dân trong xã Thống Nhất, sau đó, người này đã chuyển nhượng cho một người khác có tên là N.V.C – nhà ở xã bên, tuy nhiên vẫn thuộc huyện Thường Tín.

Từ đó tới nay, ông C. tiếp tục mở rộng kinh doanh, xây dựng các công trình kiên cố trên hành lang đê, làm đường bê-tông vào khu vực kinh doanh nhà hàng. Ngoài ra, người này còn mua mở rộng thêm diện tích đất bãi (đất loại 2, thuộc quyền quản lý của hợp tác xã giao cho các xã viên) từ các hộ dân khác trong xã, nâng tổng diện tích sở hữu lên tới vài mẫu Bắc bộ đất bãi, đất ven sông.

Khu chuồng trại, vật nuôi trái phép trên hành lang thoát lũ được xây dựng bài bản, công phu. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại nhiều năm dù trụ sở UBND xã ở cách đó không xa. Ảnh: Huy Bình.

Khu chuồng trại, vật nuôi trái phép trên hành lang thoát lũ được xây dựng bài bản, công phu. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại nhiều năm dù trụ sở UBND xã ở cách đó không xa. Ảnh: Huy Bình.

Ông H.V.Đ – người dân thôn Giáp Long (xã Thống Nhất) cho biết: Khu vực xây dựng nhà hàng “Gió sông Hồng” thuộc hành lang thoát lũ và đất bãi, đất nông nghiệp, không được phép tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, lại càng không được phép xây dựng công trình trên đất bãi, hành lang đê.

“Mấy năm trước, dọc tuyến đê có chiều dài hơn 3km thuộc xã Thống Nhất, nhiều người không biết từ vùng nào tới làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê-tông… Khoảng hai năm trở lại đây, các ban ngành chức năng đi dẹp bỏ, không cho hoạt động…, việc xâm lấn hành lang đê mới lắng lại” – ông H.V.Đ cho hay.

PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã liên hệ làm việc với lãnh đạo xã Thống Nhất - nơi có công trình nhà hàng, trại nuôi thả hươu sao, đà điểu, lợn rừng… trên hành lang đê sông Hồng, tuy nhiên, vị này không có phản hồi.

Thế nhưng, một vị lãnh đạo xã liền kề xã Thống Nhất khẳng định, công trình nói trên vi phạm Luật Đê điều, nằm trọn vẹn trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê.

“Luật Đê điều không cho phép bất kể công trình nào xây dựng trên hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Việc xây dựng là hoàn toàn trái phép. Hầu hết các xã thuộc huyện Thường Tín có đê hữu Hồng đi qua, xã nào cũng để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm hành lang đê, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp… Chính quyền sở tại cố gắng xử lý, nhưng rồi lại như bắt cóc bỏ đĩa” – vị này xác nhận.

Xâm hại hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ đê: tràn lan!

Thường Tín là huyện ngoại thành Hà Nội có hơn 16km đường đê đi qua các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Vạn Điểm, Thống Nhất, Tự Nhiên… Tuyến đê hữu Hồng không chỉ trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đảm bảo an toàn lũ lụt cho toàn huyện Thường Tín và các huyện lân cận.

Tuy nhiên, dọc hơn 16km đê nói trên, hàng loạt công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để, lưu cữu trong nhiều năm.

Công trình nhà hàng 'Gió sông Hồng' tại xã Thống Nhất mọc trên hành lang đê nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Trung.

Công trình nhà hàng "Gió sông Hồng" tại xã Thống Nhất mọc trên hành lang đê nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Trung.

Vi phạm hành lang đê, hành lang thoát lũ sông Hồng tại huyện Thường Tín tập trung ở các nội dung chủ yếu: công trình xây dựng trái phép trên hành lang đê; nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng; các trạm trộn bê-tông thương phẩm; nhà hàng sinh thái ven sông; sân bóng đá trong hành lang thoát lũ…

Tại xã Hồng Vân, thôn Xâm Xuyên hiện đang tồn tại nhiều nhà xưởng dựng bằng tôn, diện tích mỗi nhà xưởng lên tới cả ngàn m2. Nhiều tấm biển cho thuê nhà xưởng, mua bán đất dựng xưởng… được treo công khai…

Nhà hàng trên hành lang thoát lũ...

Nhà hàng trên hành lang thoát lũ...

Bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép...

Bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép...

Các phương tiện kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng đã góp phần gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của các công trình đê sông Hồng. Ảnh: Huy Bình.

Các phương tiện kinh doanh vận tải chở vật liệu xây dựng đã góp phần gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của các công trình đê sông Hồng. Ảnh: Huy Bình.

Từ năm 2021 đến giữa năm 2022, UBND huyện Thường Tín đã ban hành 28 văn bản chỉ đạo các xã ven đê tập trung kiểm tra, ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vụ việc vi phạm pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai, quản lý đất bãi sông...

Đoàn công tác liên ngành của UBND huyện Thường Tín đã phối hợp cơ quan chuyên môn của Sở NN-PTNT Hà Nội kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đê điều, đất đai...

Giải thích về việc để xảy ra nhiều vụ việc và chậm xử lý vi phạm, lãnh đạo các xã để xảy ra sai phạm lý giải, nguyên nhân là do địa phương có nhiều khu dân cư tồn tại lâu đời ngoài bãi sông, ven đê. Nhu cầu của người dân trong sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, xây mới nhà ở, mở rộng mặt bằng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống ngày càng lớn.

Hơn nữa, một số trường hợp vi phạm pháp luật đê điều đồng thời vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền địa phương...

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố phát sinh 66 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc xử lý nhưng các địa phương mới xử lý được 19 vụ (12 vụ phát sinh trong năm 2022 và 7 vụ phát sinh trước năm 2021).

Trong số các huyện, thị của Hà Nội xảy ra vi phạm xâm hại đê điều, huyện Thường Tín đứng vị trí đầu tiên, có nhiều vi phạm nhức nhối, kéo dài và tồn tại, khó giải quyết nhất từ trước tới nay.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.