Trà Vinh đang xây dựng thương hiệu tôm, lúa hữu cơ để khai thác đúng giá trị của sản phẩm, vươn tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế.
Trà Vinh: Sớm xây dựng thương hiệu tôm - lúa hữu cơ
Hai xã đảo Long Hòa và Hòa Minh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nằm giữa dòng sông Cổ Chiên. Hàng năm thường chịu tác động của 2 mùa nước mặn và ngọt. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhiều bà con nông dân sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa. Khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ. Ngược lại, sau vụ lúa đất được cải tạo làm môi trường thuận lợi cho tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh.
Bà Lê Thị Hiếu, ấp Bến Đò, Hòa Minh, Châu Thành:Mình ở đây nuôi một vụ tôm xạ một vụ lúa,con tôm mau lớn, khách hàng mua cũng chịu con tôm đẹp, lúa cũng vẫn tốt khỏi cần chọi phân luôn đó.
Nuôi tôm theo phương thức hữu cơ là hướng đi mới cho nông dân Long Hòa – Hòa Minh. Người trồng lúa hoàn toàn không cần sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là chỉ bón phân hữu cơ để hạ phèn, giải độc còn sót trong đất. Đặc biệt là chi phí thức ăn và công sức lao động cũng giảm so với cách canh tác truyền thống, kéo theo lợi nhuận tăng lên. Hàng năm vào mỗi mùa thu hoạch tôm, các chủ ao nuôi lãi từ 50 đến vài trăm triệu đồng mỗi ao 1 hecta, tùy theo giá cả thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quốc, ấp Đại Thôn B, Hòa Minh, Châu Thành: Tính ra nuôi tôm lúa nó nhẹ hơn nhiều, tại vì mình cũng hổng có chọi phân nhiều, với tôm mình cũng cho ăn ít hơn nên mình thấy lợi nhuận nhiều. Khâu chăm sóc cũng bình thường mình chỉ canh sao cắt lúa xong thả tôm qua vậy là khỏe rồi.
Mô hình nuôi tôm –lúa mặc dù có tiềm lực phát triển to lớn, nhưng nhìn chung thì người dân Long Hòa – Hòa Minh vẫn chưa nuôi tôm theo một quy trình chuẩn, còn manh mún nhỏ lẻ. Các sản phẩm tôm tiêu thụ trên thị trường hầu hết chưa có nhãn hiệu, không có thông tin truy xuất nguồn gốc hay hệ thống nhận diện thương hiệu. Vì vậy, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm tôm hữu cơ của hai xã đảo này là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Ái, Trưởng Ban nhân dân ấp Đại Thôn B, Hòa Minh, Châu Thành :Vừa rồi mình được UB xã mở lớp tập huấn cho bà con về các dòng sản phẩm hữu cơ, cũng như đăng ký thương hiệu mẫu mã sản phẩm hữu cơ. Mong muốn của người dân là mình sớm xây dựng được thương hiệu, để con tôm mình được vươn xa hơn và thứ hai là được bán giá cao hơn, chất lượng con tôm đạt hiệu quả cao hơn.
Vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã có quyết định giao cho Sở KH-CN phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển tài sản trí tuệ, đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá nhãn hiệu sản phẩm tôm hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh. Qua đó, nhằm hỗ trợ các chủ thể nuôi trồng, kinh doanh nâng cao giá trị sản phẩm tôm hữu cơ. Góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường mang lại sức khỏe cho người nuôi và người tiêu dùng.