Tránh tình trạng mất kiểm soát giá gạo. Thưởng thức đặc sản tại Festival Tôm Cà Mau 2023. Xuất khẩu thủy sản 5 tháng cuối năm có thể đạt 4 tỷ USD. Gần 1.000 tỷ đồng di dời hơn 3.000 hộ dân khỏi kinh thành Huế.
Tránh tình trạng mất kiểm soát giá gạo
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex cho biết, các thị trường truyền thống của nước ta như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... đều có nhu cầu nhập khẩu lượng gạo lớn của Việt Nam với đơn hàng từ 500.000 đến 1,5 triệu tấn. Một số thị trường tại châu Âu, châu Phi cũng đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, từ đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3 triệu tấn, tăng hơn 40%; giá gạo xuất khẩu đạt mức 534 USD/tấn, tăng hơn 9% so với năm 2022. Để tránh tình trạng mất kiểm soát giá gạo, Bộ Công thương cam kết bám sát tình hình thị trường nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp cũng như cân đối cung cầu. Bộ cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà họ đã xuất trong 6 tháng trước đó.
Thưởng thức đặc sản tại Festival Tôm Cà Mau 2023
Phạm Huy khai thácFestival Tôm Cà Mau 2023 với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt - Cùng phát triển sản phẩm OCOP” sẽ được tổ chức từ ngày 13/12 đến ngày 16/12/2023, dự kiến sẽ thu hút khoảng 8.000 - 10.000 khách tham dự. Trong thời gian diễn ra sự kiện, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian, tìm hiểu văn hóa lễ hội ba miền, trải nghiệm bay khinh khí cầu; thưởng thức đặc sản Cà Mau tại Ngày hội Ẩm thực thủy sản Cà Mau… Thông qua Chương trình, tỉnh Cà Mau mong muốn giới thiệu tiềm năng phát triển bền vững ngành nuôi tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau về kinh tế, văn hóa, du lịch giúp tỉnh khai thác tốt cơ hội, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa, đặc biệt là hàng hóa đặc sản, sản phẩm OCOP. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Xuất khẩu thủy Sản 5 tháng cuối năm có thể đạt 4 tỷ USD
Phạm Huy khai thác
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính tới hết tháng 7/2023, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra (giảm 36%), tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới. Nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu. Các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác. Với kịch bản thuận lợi đó, xuất khẩu thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022.
Gần 1.000 tỷ đồng di dời hơn 3000 hộ dân khỏi kinh thành Huế
Thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên cho biết, đang thực hiện giai đoạn 2 của dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế”. Khoảng 1.710 hộ dân ở thành hào và tuyến phòng lộ, 210 hộ dân ở hồ Tịnh Tâm; 165 hộ tại Trấn Bình Đài và 198 hộ tiếp giáp với đồn Mang Cá sẽ được di dời với tổng kinh phí thực hiện gần 730 tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 1.000 hộ dân sống ở khu vực đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế) cũng được kiểm kê để di dời và thu hồi đất với kinh phí 213 tỷ đồng. Đối với khu vực hồ Học Hải và di tích Khâm Thiên Giám, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế cũng kiểm kê, kê khai nguồn đất sử dụng để lên kế hoạch di dời. Các hộ dân sau khi di dời khỏi khu vực 1 Kinh thành Huế sẽ được chính quyền bố trí đất tái định cư tại khu quy hoạch Hương Sơ, thành phố Huế để ổn định cuộc sống.