Chống khai thác IUU của Hải Phòng còn chậm. Chớp cơ hội thị trường, tăng xuất khẩu gạo. Cà Mau: Bảo tồn và phát triển khu đầm sinh thái rộng 700ha. Giá tôm hùm ổn định khoảng 900.000 đồng/kg.
Chống khai thác IUU của Hải Phòng chưa đạt yêu cầu
Đinh Mười
Sáng 2/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác chống khao thác IUUtại TP Hải Phòng. Kiểm tra thực tế tại cảng cá Ngọc Hải, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá công tác chống khai thác IUU ở đây còn đối phó, chưa đạt yêu cầu. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là đoàn công tác lần thứ 3 của Bộ NN-PTNT kiểm tra nội dung này tại cảng cá Ngọc Hải. Mỗi lần kiểm tra đều rất cụ thể, chi tiết, chỉ ra những hạn chế bất cập, những nội dung cần khắc phục nhưng công tác chống khai thác IUU chuyển biến chậm. Đơn cử như việc ghi nhật ký khai thác còn đối phó, dù đầy đủ chức năng nhiệm vụ, có tới 5 lực lượng thực thi pháp luật nhưng nhiều sai phạm khi phát hiện sai phạm không xử lý. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc chống khai thác IUU không chỉ giúp gỡ thẻ vàng của EC mà còn góp phần quan trọng để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hội nhập quốc.
CHỚP CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG TĂNG XUẤT KHẨU GẠO
Thanh Thuỷ khai thác
Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, đẩy giá lúa Việt Nam tăng vọt. Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, giá gạo giai đoạn này đang vào khoảng 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2022.
Để tận dụng thời cơ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha. Theo kế hoạch của năm 2023, cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội này của ngành hàng lúa gạo.
Cà Mau: Bảo tồn và phát triển khu đầm sinh thái rộng 700ha
Văn Vũ sx
Đầm Thị Tường là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc không gian du lịch phía tây của tỉnh Cà Mau, là nơi cư trú, sinh sản và phát triển của nhiều giống, loài thủy, hải sản nước lợ có giá trị kinh tế cao, được xác định là một trọng các điểm được bảo tồn và phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Đầm Thị Tường có tổng diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km. Đây là khu đầm có diện tích mặt nước nằm sâu trong đất liền lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái.
Ông Trần Tấn Công Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, huyện đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn người dân lấn chiếm diện tích mặt nước, đất đai ven đầm để bảo vệ hệ sinh thái trong đầm . Nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối toàn bộ khu vực trên bộ chung quanh đầm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện hỗ trợ người dân làm du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững.
GIÁ TÔM HÙM ỔN ĐỊNH KHOẢNG 900.000 ĐỒNG/KG
Kim Sơ
Theo người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, giá tôm hùm xanh thương phẩm được các thương lái thu mua tương đối ổn định, dao động từ 800-950 ngàn đồng/kg, loại 3 con/kg. Đây là mức giá được người nuôi đánh giá tương đối ổn định, xuất bán có lãi. Do đó, thời gian gần đây nhiều người nuôi ở thị xã Sông Cầu liên tục xuất bán những lứa tôm đến ngày thu hoạch. Với giá tôm hiện khoảng 950 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí người nuôi lãi từ 15-20 triệu đồng/lồng sau 12-13 tháng thả nuôi.
Được biết, thị xã Sông Cầu là thủ phủ nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên. Hiện số lượng lồng nuôi ở đây gần 100 ngàn ô lồng.