Bộ NN-PTNT và Hội Người cao tuổi sẽ trang bị kiến thức cho người cao tuổi. Trình diễn cơ giới hóa thu gom rơm và mô hình làm giàu từ rơm. Lòng sông bị lấn chiếm để nuôi sò huyết. Bắc Kạn di dời 7 hộ dân trước nguy cơ sạt lở núi.
BỘ NN-PTNT VÀ HỘI NGƯỜI CAO TUỔI SẼ TRANG BỊ KIẾN THỨC CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Sáng nay Bộ NN-PTNT đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: Ở Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi làm nông nghiệp rất lớn. Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng nên họ tạo ra sản phẩm chất lượng. Thậm chí, họ đã mở lớp dạy làm nông nghiệp miễn phí vào cuối tuần cho thanh, thiếu niên và trẻ em. Do vậy, lực lượng lao động cao tuổi ở Việt Nam cũng rất cần được đào tạo, tập huấn kỹ thuật làm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi mong muốn, trong thời gian tới hai bên phối hợp nhằm nâng cao năng lực; tạo điều kiện phát huy vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi Việt Nam tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
TRÌNH DIỄN CƠ GIỚI HÓA THU GOM RƠM VÀ MÔ HÌNH LÀM GIÀU TỪ RƠM
Sáng 14/7, tại ruộng của hộ nông dân Nguyễn Văn Em tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI và Sở NN-PTNT Hậu Giang trình diễn công nghệ thu gom, xử lý và sử dụng rơm rạ bền vững. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng hơn 300 nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Theo IRRI, trong khoảng 47 triệu tấn rơm rạmỗi năm sau khi thu hoạch lúa tại Việt Nam, mới chỉ khoảng hơn 20% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây… còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng (tương đương khoảng trên 20 triệu tấn rơm rạ đang bị lãng phí..).thu gom rơm
Sự kiện trình diễn công nghệ, thiết bị thu gom và xử lý rơm rạ tạo điều kiện để nông dân và các đối tác liên quan trong chuỗi giá trị tiếp cận “mắt thấy, tai nghe” trực tiếp các công nghệ cơ giới hoá thu gom rơm khô, rơm ướt và các mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm.
Lòng sông bị lấn chiếm để nuôi sò huyết
Thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau xảy ra tình trạng, nhiều hộ dân tự ý bao chiếm hàng chục km dòng sông để nuôi sò huyết, làm cho việc lưu thông, đi lại của người dân gặp khó khăn, nguy hiểm.
Còn theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cái Nước, hiện trên địa bàn huyện có 55 hộ nuôi sò dưới dòng sông với diện tích nuôi hơn 9,3 hecta. Một số tuyến sông dài hàng chục km bị chiếm đến hơn 2/3 diện tích nuôi sò huyết.
Ông Huỳnh Hùng Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết: Việc vận động tháo dỡ các hộ lấn chiếm lòng sông này rất khó do lợi ích của người dân từ việc nuôi sò dưới sông rất lớn. Huyện Cái Nước đang xin chủ trương từ UBND tỉnh để người dân được nuôi sò huyết ở một số đoạn sông rộng, ít ảnh hưởng đến dòng chảy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Bắc Kạn di dời 7 hộ dân trước nguy cơ sạt lở núi
Sau nhiều trận mưa đầu tháng 7, tại tổ 1, thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn xảy ra tình trạng sạt lở núi. Vụ sạt lở làm hư hỏng tài sản, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của 2 hộ dân. Những ngày gần đây, ngọn núi phía sau hàng chục hộ dân tiếp tục có nguy cơ sạt lở. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, sạt lở có thể làm ảnh hưởng đến 20 hộ với 80 nhân khẩu tại tổ 1 thị trấn Đồng Tâm và 4 trạm phát sóng của các đơn vị viễn thông. Bước đầu, chính quyền địa phương đã di dời 7 hộ đến nơi ở khác. Huyện Chợ Mới cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Bắc Kạn có phương án khắc phục khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.