Trồng trọt chiếm tỷ trọng trên 43% ngành nông nghiệp. EU là thị trường nông lâm thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Xuất khẩu tiêu sụt giảm tại nhiều thị trường. Giá heo hơi miền Bắc áp sát mốc 70.000 đồng/kg.
TRỒNG TRỌT CHIẾM TỶ TRỌNG TRÊN 43% NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Chiều 11/7, Cục trồng trọt tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Theo báo cáo tại hội nghị, ngành trồng trọt tiếp tục khẳng định là ngành sản xuất chủ lực của ngành nông nghiệp với tỷ trọng đạt 43,27% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, giá trị sản xuất tăng trưởng 0,75%. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, ngành trồng trọt tiếp tục nâng cao chất lượng, hướng tới giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm. Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm 2022, tuyệt đối không được chủ quan bởi thời tiết còn diễn biến phức tạp và tình hình thế giới nhiều biến động. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gợi ý, Cục trồng trọt cần có kế hoạch cụ thể cho từng vùng, từng vụ để có những chỉ đạo chắc chắn và đảm bảo đúng kế hoạch.
EU LÀ THỊ TRƯỜNG NÔNG LÂM THỦY SẢN LỚN THỨ 3 CỦA VIỆT NAM
Ngày 11/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi trao đổi với Cao ủy Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cùng đoàn doanh nghiệp EU tại trụ sở Bộ NN-PTNT. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ông Janusz Wojciechowski đến thăm và làm việc kể từ khi trở thành Cao ủy Nông nghiệp EU. Theo Thứ trưởng Phùng Đức tiến, EU là thị trường nông lâm thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 36%, còn nhập khẩu từ EU cũng tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, sau gần 2 năm EVFTA chính thức có hiệu lực, hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp của 2 bên và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư EU tiến hành đầu tư bền vững lâu dài tại Việt Nam.
XUẤT KHẨU TIÊU SỤT GIẢM TẠI NHIỀU THỊ TRƯỜNG
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam đều giảm lượng nhập khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 5.609 tấn tiêu từ nước ta, giảm 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu của Hoa Kỳ đứng đầu đạt 30.109 tấn và giảm 8%. Các thị trường như: Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập... cũng ghi nhận mức giảm. Riêng chỉ có một vài nước có mức nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, Ấn Độ và Hàn Quốc.
GIÁ HEO HƠI MIỀN BẮC ÁP SÁT MỐC 70.000 ĐỒNG/KG
Giá heo hơi 3 miền ngày 11/7 tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg tại một vài tỉnh thành. Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi điều chỉnh tăng cao nhất 3.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần và dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg. Trong khi đó, heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây nguyên tăng 2.000 đồng/kg tại một số địa phương so với cuối tuần trước và được thu mua ở ngưỡng 58.000 - 63.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi nhích nhẹ một giá trong ngày đầu tuần và dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg. Trong suốt 2 tháng gần đây, giá heo trên cả nước không vượt quá ngưỡng 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, giá heo hơi đã dần nhích lên và áp sát mốc 70.000 đồng/kg tại miền Bắc trước áp lực của chi phí sản xuất.