Theo kế hoạch năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản phải đạt 7 triệu tấn/năm. Vì vậy cần đẩy mạnh áp dụng thiết bị hiện đại vào nuôi trồng thủy sản để năng cao chất lượng, sản lượng phục vụ cho xuất khẩu.
Ứng dụng thiết bị hiện đại vào nuôi trồng thủy sản
Hiện nay việc ứng dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng và chế biến trong lĩnh vực thủy sản, đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp người nuôi tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực nuôi tôm nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp người nuôi nâng cao năng suất, mật độ nuôi, giảm ô nhiễm môi trường và tăng giá trị sản phẩm.
Ông VÕ VĂN PHỤC – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam
“Có thể nói trong nuôi tôm mà chúng ta áp dụng khoa học kỹ thuật nó mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà máy chúng tôi, từ trong lĩnh vực marketing bán hàng, cái thứ hai nó mang lại hiệu quả, cũng khá cao, tạo được tính bền vững trong chiến lược phát triển của chúng tôi .”
Bà NGUYỄN THỊ HẰNG - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề
“Ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản thì sẽ nâng cao mật độ trên cùng diện tích, đặc biệt bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để cạnh tranh với các nước Mỹ và EU”.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay những ứng dụng trong nuôi tôm như: ứng dụng như quan trắc tự động để đảm bảo tính chính xác và độ đồng đều, hệ thống cho ăn tự động giúp giảm nhân lực, sử dụng công nghệ AI để theo dõi và giám sát trong quá trình nuôi, công nghệ tự động hóa trong thu hoạch tôm, bước đầu đem lại có những kết quả rất tốt. Tuy nhiên theo đánh giá việc ứng dụng cơ giới hóa trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế so với nhu cầu hiện nay.
Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)
“Trong bối cảnh lao động càng ngày càng thiếu trong nông thôn, cái thứ hai yêu cầu về ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo độ chính xác độ đồng đều, thứ 3 là lĩnh vực truy xuất nguồn gốc khi chúng ta tập trung sản xuất với số lượng lớn thì việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ thông tin trong sản xuất toàn bộ chuỗi trong nuôi trồng thủy sản là yêu cầu rất lớn thời gian tới”
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã đạt 2,73 triệu tấn, tăng 7,1%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,67 tỷ USD, tăng 34,2%, so cùng kỳ 2021. Theo chiến lược của ngành thủy sản đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản phải đạt 7,0 triệu tấn/năm, trong đó sẽ tăng diện tích nuôi trồng và giảm khai thác. Trong thời gian tới các địa phương cần quy hoạch nâng cao cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn gắn với chế biến. Bên cạnh đó phải tổ chức lại sản xuất, đầu tư thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.