Vụ lúa hè thu năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Long dự kiến xuống giống khoảng 35.000ha lúa, chia làm 3 đợt từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5. Người dân chủ động các giải pháp lấy nước ngọt để xuống giống tập trung né rầy, né mặn, đảm bảo hiệu quả canh tác.
Ứng phó hạn mặn: Vĩnh Long chia 3 đợt xuống giống vụ lúa Hè Thu
Vụ lúa Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Long dự kiến xuống giống khoảng 35.000 héc ta lúa, chia làm 3 đợt từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5. Thời điểm hiện tại, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đang làm đất và xuống giống tập trung đợt 2. Đây là đợt xuống giống với diện tích lớn nhất với khoảng 25.000 hec ta trải đều ở các địa phương trong tỉnh. Ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ từ sớm, đồng thời tuyên truyền để người dân chủ động các giải pháp lấy nước ngọt để xuống giống tập trung “né rầy”, “né mặn”, đảm bảo hiệu quả canh tác.
Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm là một trong những địa phương chịu tác động của hạn mặn. Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị dọn đất để xuống giống, trên các sông lớn đã ghi nhận độ mặn nên các địa phương đóng cống ngăn mặn. Nhờ chủ động thực hiện việc nạo vét mở rộng các tuyến kênh nội đồng để tăng khả năng trữ nước ngọt nên địa phương đã cơ bản cung cấp nước cho người dân sử dụng để bơm tát vào ruộng. Đối với các diện tích chuẩn bị xuống giống ở sâu trong nội đồng, bị hạn chế nguồn nước, địa phương cũng thông báo người dân tích cực chuẩn bị, ngay khi độ mặn giảm, cống Vũng Liêm mở sẽ tranh thủ lấy nước ngọt phục vụ việc xuống giống.
Ông Võ Đông Sơ - Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
Tình hình năm nay nước mặn xâm nhập sớm quá, mới cho nước vô có 1 ngày cái nước mặn cái đóng cống đi. Thành ra ở đây chủ động bơm để xạ lúa. Nếu mà chưa có con kênh này chắc chắn sạ không được, nếu có sạ được thì cũng phải đợi rớt hột mưa. Từ năm nay có con kênh này, nước mình chủ động, từ sáng tới chiều mình vẫn bơm được. Mọi năm nếu mình bơm là bữa nay bơm một khúc đất, mai mình mới bơm tiếp.
Ông Đồng Ngọc Quí - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long
Hộ sản xuất lúa thì đã có chủ động, tất cả các hộ đều có máy bơm tác hết, tại khu vực này là khu vực giáp với thị trấn vũng liêm nên ảnh hưởng vấn đề xâm nhập mặn rất nghiêm trọng nên bà con chủ động, nhà nhà đều có máy móc để bơm tát. Năm nay xã cũng chủ động việc các hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng cũng tạo điều kiện để nạo vét, trữ nước ngọt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 35.000 héc ta, chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 2 là 25.000 hec ta, xuống giống từ 19/3 đến 18/4, đây là đợt xuống giống chính, phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh; đợt 3 là 6.000 hec ta, xuống giống từ 1/5 đến 31/5, phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng có nguy cơ nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tát và vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh. Ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ từ sớm, đồng thời tuyên truyền để người dân chủ động các giải pháp để xuống giống tập trung “né rầy”, “né mặn”, đảm hiệu quả canh tác.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long
Sạ thì máy trục 2 tát, máy chang chang lại cho bằng phẳng với kéo rảnh chọ sạ lúa đạt kết quả. Nước ở đây thì cho ra vô rất dễ vì có cái kênh bờ đê này là nước lớn nước ròng thông thương mình cho ra vô dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long
Các giải pháp về điều kiện canh tác về chế độ nước rất quan trọng bởi đây là cái mùa hạn mặn, tùy theo chế độ triều cường mà chúng ta có kế hoạch xuống giống cho từng vùng và đặc biệt lưu ý cái việc chúng ta vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch đông xuân, cày xới để diệt cỏ dại, mầm bệnh, các đối tượng dịch hại. Cũng nên có định hướng chuyển từ lúa chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao để tăng lợi nhuận hơn bởi vì hiện nay các giống lúa chất lượng cao, điều kiện sinh trưởng và thích nghi khá ổn định, năng suất vẫn cao. Nhờ giá bán cao thì lợi nhuận sẽ cao.
Ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long lưu ý người dân, thời điểm đầu vụ, nắng nóng xảy ra, đặc biệt là khan hiếm nước nên cỏ dại có điều kiện phát triển, các đối tượng dịch hại nhiều hơn. Thời điểm cuối vụ, bước vào mùa mưa, lúa dễ đổ ngã hoặc mắc các bệnh... nông dân nên áp dụng các chế độ canh tác IPM, IPHM để quản lý các đối tượng dịch hại hiệu quả, giảm chi phí đầu tư để đạt năng suất và lợi nhuận cao./.