Không khuyến khích sản xuất vụ đông xuân muộn
Huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là địa phương giáp biển, đã và đang chịu tác động của xâm nhập mặn vào mùa khô. Trước đây, bà con trong vùng phất lên nhờ sản xuất 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên từ đợt hạn mặn lịch sử giai đoạn 2015 – 2016 đến nay, hầu như nông dân thất trắng khi làm lúa vụ 3 vì thiếu nước tưới, các kênh trong nội đồng cạn khô. Vì thế bà con đã chuyển sang sản xuất 2 vụ để tránh rủi ro khi nước mặn lên.
Sống cố cựu trên vùng đất này, ông Phạm Hoàng Trân ở xã Long Đức (huyện Long Phú) nhận thấy nước mặn thường sẽ xuất hiện từ tháng 1 (dương lịch) và kéo dài đến tháng 4 (tùy năm). Riêng năm 2024, nước mặn xuất hiện sớm hơn từ đầu năm, tuy nhiên nhờ nằm trong vùng đê bao khép kín nên diện tích lúa đông xuân 2023 – 2024 của gia đình ông không bị ảnh hưởng.
Ông Trân cho hay, dù đã được ngành chức năng khuyến cáo không sạ lúa vụ 3 để tránh rủi ro, nhưng nhiều bà con trong xã vẫn “nôn nao” tiếp tục xuống giống sau khi thu hoạch vụ đông xuân 2023 – 2024 vì giá lúa đang ở mức cao.
“Vùng này có năm mặn nhiều, năm mặn ít, con nước này mặn, con nước sau ngọt lại cũng không chừng. Do đó, cách trữ nước ngọt cho vùng sản xuất lúa của địa phương chủ yếu là đưa nước ngọt vào các kênh mương, đến khi nước mặn lên thì đóng cống lại”, ông Trân chia sẻ kinh nghiệm.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ phát huy hiệu quả ngăn mặn trong thời gian ngắn. Những năm nước mặn kéo dài, việc đóng cống khiến nước trong nội đồng cạn dần. Bà con trong vùng đành bỏ ruộng trống, phơi đất, đợi đến mùa mưa mới bắt đầu gieo sạ. Tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến việc phát triển các loại cây trồng khác xen cây lúa không hiệu quả.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hưng Lợi ở xã Long Đức nêu ra thực tế, trong HTX vẫn có trường hợp xã viên tự phát sạ lúa vụ 3. Nếu diện tích này tăng cao sẽ dẫn đến lượng nước ngọt tích trữ trong các kênh mương không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, nguy cơ thất thu rất cao.
Đến thời điểm này, huyện Long Phú đã thu hoạch được trên 6.000ha lúa đông xuân chính vụ. Trước lợi thế năng suất và giá bán cao, Phòng NN-PTNT huyện đã ghi nhận khoảng 6.000ha lúa đông xuân muộn dự kiến sẽ được bà con nông dân xuống giống.
Đây cũng là thời điểm dự báo khả năng mặn xâm nhập sâu và tăng cao, trong khi đó hệ thống kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Long Phú chỉ đủ khả năng tích trữ nước ngọt cung cấp cho 1.000 – 2.000ha. Do đó, giải pháp tăng cường vận động bà con không sản xuất vụ lúa đông xuân muộn đang được ngành nông nghiệp huyện tích cực triển khai.
Tương tự, tại huyện Trần Đề có khoảng 44.800ha sản xuất lúa, riêng vụ đông xuân 2023 – 2024 đã thu hoạch được gần 2.000ha. Nông dân địa phương vừa hoàn tất khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng để khởi động mùa vụ mới dù không được khuyến cáo. Ghi nhận thực tế, đã có khoảng 40ha xuống giống lúa vụ 3 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp huyện Trần Đề tiến hành khảo sát, nạo vét trên 70.000m3 kênh, mương. Đồng thời duy tu, sửa chữa toàn bộ hệ thống cống thủy lợi phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn.
Dù chưa bước vào cao điểm mùa khô, nhưng thông tin ghi nhận được từ Trạm thủy nông huyện Trần Đề, độ mặn tại một số cửa cống trên địa bàn hiện đã bắt đầu tăng cao. 3 cống phục vụ công tác tiếp nước cho các vùng sản xuất buộc phải đóng hoàn toàn để kịp thời ngăn mặn xâm nhập.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra dự báo, độ mặn sẽ đạt cao nhất vào tháng 2 – 3, ranh mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 50 – 65km. Như vậy, nếu bà con nông dân tiếp tục xuống giống vụ đông xuân muộn sẽ rơi vào tâm điểm ảnh hưởng mặn, nguồn nước không đảm bảo cho sản xuất đến cuối vụ.
Lên dây cót ứng phó xâm nhập mặn
Kết quả đo độ mặn nguồn nước hàng ngày của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho thấy, nước mặn đã bắt đầu xuất hiện tại các cửa sông. Huyện Long Phú và Trần Đề là 2 địa phương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xâm nhập mặn với gần 40.000ha đất trồng lúa trong vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt bị ảnh hưởng.
Đặc thù của hệ thống thủy lợi này là bờ bao khép kín, các cống như Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe đều là những cống đầu nguồn tiếp ngọt cho toàn vùng. Tuy nhiên, trường hợp mặn xuất hiện khoảng 2‰ vào Vàm Đại Ngãi, khả năng tiếp nước cho vùng rất khó, bởi toàn bộ hệ thống cống phải đóng lại để ngăn mặn.
Theo ông Trầm Việt Quang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, lực lượng công nhân quản lý cống hiện đang theo dõi sát diễn biến độ mặn. Khi độ mặn giảm thì tranh thủ lấy nước, nhất là vào tháng 2 – 3 cao điểm mùa khô. Bởi nếu mặn xuất hiện trong thời gian dài, buộc phải đóng tất cả hệ thống cống, nguồn nước trong hệ thống kênh sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, phần lớn vùng sản xuất lúa ở Sóc Trăng là vùng hở, khả năng khống chế mặn rất khó, trong điều kiện mặn diễn biến gay gắt, sản xuất lúa đông xuân muộn sẽ gặp nhiều rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ.
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô 2024, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản. Tùy diễn biến, các cơ quan chuyên môn sẽ đưa ra các giải pháp chủ động theo phương châm chủ động, nhanh, kịp thời, hiệu quả. Nhân vật lực, phương tiện cũng được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với hạn mặn, hạn chế thiệt hại cho người dân. Nhất là kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Các địa phương ven biển như Bến Tre, Cà Mau, ngành nông nghiệp các tỉnh này cũng khẩn trương triển khai một loạt các giải pháp để ứng phó với hạn mặn năm 2024.
UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương chịu ảnh hưởng khẩn trương phòng chống, ứng phó. Giải pháp cấp bách của địa phương này là phát động việc trữ nước ngọt, nước mưa bằng cách tận dụng dụng cụ trữ nước trong các hồ, lu, bồn chứa, túi chứa nước hoặc đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương, đập cục bộ từng khu vực.
Bên cạnh đó, bà con nông dân có thể linh hoạt nhiều giải pháp trữ nước ngọt để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng cao đột biến, bất thường.
Theo dự báo, độ mặn ở ngưỡng 1‰ có thể xâm nhập toàn tỉnh Bến Tre vào tháng 1 – 5 và mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông từ tháng 2 – 3.
Còn tại tỉnh Cà Mau, mặn xâm nhập từ 2 hướng biển Đông và biển Tây, do đó các địa phương nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng đã lên phương án đóng cửa cống ngăn mặn.
Ngày 18/1, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và chủ tịch UBND huyện, thành phố lên phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa theo cấp độ rủi ro thiên tai.
Trong đó, Sở NN-PTNT tỉnh có nhiệm vụ hướng dẫn địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế. Thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống, đập, kịp thời xử lý các sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Đồng thời, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ. Xác định các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để triển khai các giải pháp trữ nước, ưu tiên nguồn nước để phục vụ sinh hoạt của người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam – đơn vị quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé thông tin, khi diễn biến độ mặn tại cầu Cái Tư không vượt 1‰, cống Cái Lớn sẽ duy trì việc mở tự do. Trường hợp xâm nhập mặn diễn biến tương tự mùa khô các năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020, cống sẽ đóng 11 cửa để đảm bảo ngăn mặn.