Dự án thiết thực về đa dạng cây trồng trên nền đất lúa giúp bảo vệ sinh kế cho người dân trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL.
Việt Nam - ACIAR hợp tác nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại ĐBSCL
Dự án thiết thực về đa dạng cây trồng trên nền đất lúa giúp bảo vệ sinh kế cho người dân trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL.
BĐKH khiến mực nước biển tăng và thay đổi lượng nước mưa so với trước đây - điều này dẫn tới tình trạng xâm nhập mặn trong đồng ruộng và khan hiếm nước tưới ở ĐBSCL. Nguy hiểm hơn, tình trạng này được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên trong tương lai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích canh tác nông nghiệp.
Do đó, những dự án thiết thực sẽ giúp người nông dân tăng cường các biện pháp thích ứng trong trồng trọt, giúp đảm bảo năng suất và lợi nhuận.
Dự án hợp tác lúa gạo giữa Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Việt Nam góp phần xây dựng các hệ thống sản xuất thực phẩm an toàn, bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân, giúp nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông và các bên liên quan.
Dự án ‘Đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL’ (FOCUS) giai đoạn 2021-2025 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.
Mục tiêu của dự án là nâng cao năng suất và lợi nhuận của các hệ thống cây trồng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở ĐBSCL.
Phỏng vấn: PGS.TS Châu Minh Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, Điều phối viên quốc gia của dự án FOCUS
Qua thử nghiệm trồng một số giống cây trồng cạn có khả năng chịu mặn, Dự án nhận định tiềm năng cho việc phát triển đa dạng cây trồng tại ĐBSCL.
Các thí nghiệm đã chứng minh lợi ích của việc dùng rơm che phủ đất giúp giảm độ mặn trong đất và nâng cao năng suất cây trồng cạn trong thời điểm nông dân không thể trồng lúa. Thực nghiệm cũng cho thấy năng suất lúa trồng sau vụ cây trồng cạn (ngô, củ dền, dưa hấu) gia tăng khoảng 20% so với bỏ đất trống vào mùa khô.
Phỏng vấn: Ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt
'Chuyển đổi hệ thống cây trồng là bài toán rất khó, vì chúng ta không hình dung được giá trị của các cây lương thực. Sở dĩ đối với lúa, chúng ta tồn trữ được tối đa 3 tháng, nhưng không tồn trữ được các loại thực vật khác. Nếu không tồn trữ và không nghiên cứu và người dân không có thu nhập thì chúng ta sẽ bối rối. Vì vậy, nghiên cứu với nhiều loại cây trồng, ruộng đất, với nhiều phương pháp và nhiều đối tượng nông dân tham gia thì Dự án sẽ tạo ra không gian rộng lớn cho các nhà quản lý địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.'
Theo ông Lê Thanh Tùng, dự án FOCUS có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt (như phương pháp dùng rơm che phủ đất) giúp xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế đốt rơm, hướng tới cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26.
Phỏng vấn: Bà Michelle Nakamura, Giám đốc Truyền thông ACIAR
'ACIAR đã hợp tác với Việt Nam 30 năm qua. Chúng tôi đã đạt được những kết quả quan trọng cùng các bên liên quan ở Việt Nam. Tôi kỳ vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa. Chúng tôi nhận định có những vấn đề đang diễn ra, đặc biệt là biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với các đối tác của mình để giải quyết những vấn đề này.'
Dự án FOCUS đang được triển khai và nối tiếp mục tiêu dài hạn của ACIAR về đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá đa dạng cây trồng và các giải pháp quản lý đất giúp thích ứng với xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Ngoài ra, Dự án cũng tập trung phát triển công cụ dự đoán, dự báo hạn mặn, nâng cao năng suất cây trồng.
ĐH Cần Thơ đang tiếp tục nghiên cứu nhằm tối ưu hoá chuỗi cung ứng và tìm kiếm nguồn tiêu thụ, đảm bảo thị trường nông sản. Đồng thời phân tích cơ hội thị trường và chính sách chuyển đổi cây trồng, thích ứng xâm nhập mặn ở ĐBSCL.