Tại Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lần thứ 37 (APRC 37), các nhà quản lý cấp cao trên thế giới ghi nhận những đóng góp của Việt Nam cho nền nông nghiệp của các nước đang phát triển, đề xuất mở rộng hợp tác Nam - Nam.
Việt Nam và vai trò đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Các nhà quản lý cấp cao trên thế giới ghi nhận những đóng góp của Việt Nam cho nền nông nghiệp của các nước đang phát triển, đề xuất mở rộng hợp tác Nam-Nam.
Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lần thứ 37 (APRC 37) thảo luận các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng và bất ổn địa chính trị trên thế giới, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Tham dự APRC 37, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị FAO tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện các cam kết tại COP26, COP28 bao gồm “đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050”, sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, “Tuyên bố Emirates về Nông nghiệp bền vững, Hệ thống lương thực, thực phẩm có khả năng chống chịu và Hành động khí hậu”.
'Việt Nam không chỉ cần hỗ trợ kỹ thuật của FAO mà còn mong muốn học hỏi và chia sẻ các mô hình tốt, kinh nghiệm hay với các nước trong khu vực, đồng thời sẵn sàng phối hợp với FAO và các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác Nam - Nam với các nước châu Phi.'
Ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT (Bộ NN-PTNT)
Với một nền nông nghiệp đầu tư không nhiều, dễ chuyển giao, dễ áp dụng, bà con nông dân ở châu Phi có thể học rất nhanh và áp dụng vào đồng ruộng của mình rất nhanh. Cái thứ hai là nông dân Việt Nam đến làm việc rất cần cù, hỗ trợ bạn ngay trên đồng ruộng, cầm tay chỉ việc và làm cho đến khi bạn nắm được các kỹ năng, các kỹ thuật thì chúng ta ra về.
Hợp tác Nam-Nam và Ba bên đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết. Sự đổi mới các nước phía Nam bán cầu đang giải quyết các vấn đề mất an ninh lương thực, giảm nghèo và nông nghiệp bền vững.
Sự đóng góp của Việt Nam cho nền nông nghiệp toàn cầu được bạn bè quốc tế ghi nhận, thúc đẩy năng suất, sản lượng nông sản, thủy sản ở các nước châu Á, châu Phi, Nam Mỹ. Việt Nam được coi là quốc gia đổi mới nhanh trong lĩnh vực nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, câu chuyện thực tiễn, chính sách đổi mới, công nghệ và nguồn lực.
Với những bước tiến vững chắc, Việt Nam đã và đang thể hiện sự đoàn kết, chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu.
Nhìn lại Festival quốc tế Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang 2023 – một trong những dấu ấn của nền nông nghiệp Việt Nam, bạn bè quốc tế đã bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài, thúc đẩy nhanh chóng hệ thống LTTP trong nước và khu vực.
Ông ABUBAKAR ABDULLAHI - Tổng cục trưởng, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Nigeria
'Rất nhiều hợp tác có thể được triển khai. Đối với một số lĩnh vực mà chúng tôi đang phải đối mặt, tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua được vấn đề đó thông qua hợp tác Nam-Nam. Điều này sẽ giúp sản lượng và năng suất nông nghiệp của chúng tôi sẽ tăng lên rất nhiều.
Đến đây để tìm kiếm hợp tác Nam-Nam là rất cần thiết, đặc biệt để tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về xây dựng hệ thống thủy lợi hiệu quả. Chúng tôi muốn hiểu được kiến thức, phương pháp tưới tiêu mà người Việt Nam đang làm, để có thể thực hành tại nước mình, qua đó đảm bảo tăng sản lượng, năng suất nước nhà.'
Ông LEOCADIO SEBASTIAN Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines
'Việt Nam đã đi một hành trình rất dài để có được ngày hôm nay, với nền sản xuất lúa gạo hiệu quả. Chính tôi đã được chứng kiến, đồng hành cùng các bạn.
Bây giờ tôi nghĩ là lúc Việt Nam bắt đầu chia sẻ chuyên môn, kiến thức trong những năm vừa qua với các nước khác. Dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn, các bạn sẽ không thể một mình đảm nhiệm trọng trách đó.
Với kinh nghiệm của tôi, việc Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực lên nền sản xuất. Vì vậy, nhà quản lý cần đưa ra lộ trình rõ ràng thì mới có thể đảm bảo tính bền vững, không gây hại môi trường, cân bằng kinh tế thị trường, tiếp tục có những đối thoại quốc tế.'
Với trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại các quốc gia đang phát triển với sứ mệnh chuyển giao khoa học - công nghệ - kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ bạn bè quốc tế, phát triển ngành nông nghiệp của họ, đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới xuất khẩu.
Việt Nam có thể giúp các quốc gia châu Phi, cũng như châu Á – Thái Bình Dương xây dựng các dự án, quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc tại nước chủ nhà để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cho cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách.
Theo đó, Hợp tác Nam-Nam và Ba bên tạo điều kiện cho các nước đang phát triển học tập lẫn nhau, phát triển nhanh hơn và thu hẹp khoảng cách thu nhập, cũng như xây dựng những xã hội toàn diện hơn. Đây là minh chứng cho giá trị của các phương thức hợp tác khác nhau dựa trên trao đổi kinh nghiệm và công nghệ.
Với những bước tiến vững chắc, Việt Nam đã và đang thể hiện sự đoàn kết, chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu.