Vùng biển Chân Mây - Lăng Cô chuyển màu, hôi thối do đầm tôm xả thải. Phát triển nuôi tôm bền vững tại Duyên hải miền Trung. Thị trường 'ấm' dần, đơn hàng xuất khẩu dần trở lại. Giá gạo xuất khẩu thị trường châu Á có thể đạt 700 USD/tấn.
Vùng biển Chân Mây - Lăng Cô chuyển màu, hôi thối do đầm tôm xả thải
Những ngày gần đây, người dân thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bức xúc phản ánh việc các chủ đầm tôm xả thải trực tiếp ra bãi biển của thôn gây ô nhiễm nhưng chưa được chính quyền xử lí dứt điểm.
Theo người dân, các chủ đầm tôm xả thải khoảng 2 -3 lần một ngày làm cho nước có màu rất đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc, đứng cách xa hàng trăm mét vẫn dễ dàng nhận ra.
Người dân thôn Phú Hải cho biết, trước kia không có đầm tôm, bãi tắm của thôn thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Nhưng sau khi xuất hiện các đầm tôm này rất ít người lui tới khiến công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, việc xả thải trực tiếp ra biển cũng khiến vùng nước gần bờ bị ô nhiễm nặng, các loài thủy hải sản ngày càng ít, nghề đánh bắt thủy sản cũng khó khăn hơn.
Phát triển nuôi tôm bền vững tại Duyên hải miền Trung
Tâm Phùng sx
Sáng 24/7, Trung tâm khuyến nông quốc gia và Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn đàn khuyến nông nông nghiệp với chủ đề "Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung".
Diễn đàn định hướng nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tuần hoàn, VietGap. Đã có 15 tham luận có giá trị, xuất phát từ thực tiễn, các nghiên cứu được theo dõi trong thời gian dài từ quá trình nuôi tôm tại các tỉnh, vùng khu vực Duyên hải miền Trung.
Đây là những kinh nghiệm hữu ích trong phát triển hàng hoá từ tôm quy mô lớn, sử dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật vào nghề nuôi tôm một cách bền vững, bảo đảm an toàn môi trường, đồng thời tiến tới mô hình nuôi tôm liên kết 6 nhà.
Thị trường ‘ấm’ dần, đơn hàng xuất khẩu dần trở lại
Minh Phúc khai thác
Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗtỉnh Bình Dương, cho biết: Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thông thường chu kỳ đáy của ngành gỗ kéo dài khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Do vậy dự báo sau thời gian ảm đạm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể sẽ phục hồi vào quý 4/2023 và năm 2024. Thực tế, hiện đã có một số tín hiệu lạc quan hơn với tình hình đơn hàng năm 2024 của các doanh nghiệp dần trở lại.
Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén.
Giá gạo xuất khẩu thị trường Châu Á có thể đạt 700 USD/tấn
Thanh Thủy khai thác
Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đạt 545 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 2/2021, trong khi đó Việt Nam ở mức 525 USD/tấn – cao nhất 12 năm trở lại đây.
Thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí 700 usd/tấn với các loại gạo chất lượng cao.
Giới kinh doanh gạo Thái Lan hiện cũng lo ngại giá gạo nội địa tại nước này có thể tăng thêm ít nhất 10% do thiếu hụt nguồn cung trong khi đó nhu cầu xuất khẩu gạo tăng lên. Tình trạng khô hạn trong vài tháng qua tại một số nơi buộc giới chức nước này kêu gọi nông dân chỉ canh tác 1 vụ lúa trong năm nay, thay vì 2 – 3 vụ như thông thường. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng gạo của Thái Lan trong niên vụ này sẽ giảm xuống.