Dừa tươi Việt Nam trước thời cơ 'vàng' xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Việt Nam có thể thu về 200 triệu USD/năm từ việc bán tín chỉ các bon. Nhiều dự án khuyến nông tại Hà Tĩnh phát huy hiệu quả tốt. Đồng Tháp phấn đấu đến 2025 có trên 500ha cây ăn trái hữu cơ.
DỪA TƯƠI VIỆT NAM TRƯỚC THỜI CƠ 'VÀNG' XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC
Quang Dũng – Khai thác
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đơn vị đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, thời gian kiểm tra là giữa tháng 8/2023 theo hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa và tài liệu.
Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi Việt Nam; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu như bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ; quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;…
VIỆT NAM CÓ THỂ THU VỀ 200 TRIỆU USD/NĂM TỪ VIỆC BÁN TÍN CHỈ CARBON
Quang Dũng – Khai thác
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lượng giảm phát thải và tăng hấp thụ carbon từ rừng của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2018 so với giai đoạn tham chiếu 1995 - 2010 khoảng 40 triệu tấn/năm. Con số này hoàn toàn có thể đưa ra thương mại hoá. Tính với giá đã từng chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về 200 triệu USD. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương có tiềm năng lớn về việc bán tín chỉ carbon rừng, được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm nhưng vẫn chưa hiện thực hoá tiềm năng thành nguồn lực tài chính.
Cục Lâm nghiệp cho biết, việc xây dựng cơ chế chuyển quyền carbon đã hoàn thiện và trình Chính phủ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156. Khi Nghị định này được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý để Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng.
NHIỀU DỰ ÁN KHUYẾN NÔNG TẠI HÀ TĨNH PHÁT HUY HIỆU QUẢ TỐT
Thanh Nga - Sản xuất
Ngày 22/7, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra một số dự án khuyến nông Trung ương tổ chức trên địa bàn Hà Tĩnh. Sau khi tham quan mô hình nuôi ong ở huyện Hương Khê; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Lộc Hà và mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh trong quản lý chất thải trồng trọt tại huyện Can Lộc, ông Lê Quốc Thanh đánh giá: cơ bản các dự án triển khai ở Hà Tĩnh đảm bảo tiến độ, các hộ dân tham gia đều được tập huấn kỹ thuật. Những tiến bộ mới đưa vào áp dụng đã thay đổi nhận thức của người dân đối với từng mô hình. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chủ trì thực hiện dự án khá chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả.
Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả, đi vào thực chất, làm bàn đạp cho chiến lươc phát triển nông nghiệp đa giá trị của tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức chủ trì cần bám sát mục tiêu, nội dung dự án để tổ chức thực hiện bài bản, đúng kỹ thuật và chú trọng đến công tác truyền thông.
ĐỐNG THÁP PHẤN ĐẤU ĐẾN 2025 CÓ TRÊN 500 HA CÂY ĂN TRÁI HỮU CƠ
Quang Dũng – Khai thác
Trong kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Tháp sẽ phát triển cây ăn trái chủ lực theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn trái đạt hơn 46.400 ha, sản lượng trên 460.000 tấn. Trong đó đưa diện tích sản xuất cây ăn trái hữu cơ khoảng 548 ha. Bên cạnh đó, địa phương này cũng phấn đấu đưa tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%; tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30%, diện tích áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm từ 20 - 30%.