Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có thể vào sâu tới 65km. Việt Nam trúng thầu 300.000 tấn gạo xuất khẩu sang Indonesia. Nhộn nhịp chợ cá đêm Đồng Hới. Làng mai Phú Hưng tất bật cung ứng thị trường Tết.
XÂM NHẬP MẶN Ở ĐBSCL CÓ THỂ VÀO SÂU TỚI 65 KM
Khai thác
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của El Nino. Dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu thế giảm đến cuối mùa khô.
Dự báo xâm nhập mặn ở khu vực này trong tháng 2, tại vùng các cửa sông Cửu Long ranh mặn 4g/l (4gam/lít) có khả năng xâm nhập từ 45-65km, so với năm 2023 cao hơn từ 5-10km. Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-60 km trong các kỳ triều cường. Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l (4gam/lít) lớn nhất tháng 2/2024, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 75-85km, so với năm 2023 cao hơn từ 8-10 km.
Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn. Triều cường, gió chướng có thể làm ranh mặn xâm nhập sâu thêm từ 3-6km.
VIỆT NAM TRÚNG THẦU 300.000 TẤN GẠO XUẤT KHẨU SANG INDONESIA
Khai thác
Theo Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia, 7 doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm với số lượng 300.000 tấn, chiếm 60% sản lượng tổng gói thầu. Giá gạo trúng thầu thấp nhất khoảng 650 USD/tấn, đã gồm chi phí vận chuyển.
Cơ quan này cho biết, Indonesia muốn nhập 500.000 tấn gạo trong tháng 1 để tăng dự trữ lương thực. Tiêu chuẩn gạo tham gia dự thầu phải được lấy từ vụ mùa 2023-2024 và được xay xát không muộn hơn 6 tháng trước.
Cuộc đấu thầu gạo mới lần này cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ Indonesia trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Các nguồn cung cấp được chấp nhận gồm: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc.
Năm ngoái, Indonesia nhập hơn 1 triệu tấn gạo Việt Nam, đứng thứ 2 trong số các quốc gia nhập khẩu gạo Việt nhiều nhất.
NHỘN NHỊP CHỢ CÁ ĐÊM ĐỒNG HỚI
Tâm Phùng- Tâm Đức – Sản xuất
Khoảng 1 giờ sáng, chợ cá đêm tại cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình lại nhộn nhịp đón những chuyến tàu sau chuyến đi biển dài ngày về nghỉ Tết. Hầu hết những tàu đánh bắt xa bờ cập cảng sẽ nghỉ và sau Tết mới có chuyến đi biển đầu tiên của năm mới. Những tàu cập bến cuối năm chủ yếu mang về các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá tay áo, cá gáy, cá ngừ…Vì vậy, thu nhập của ngư dân trong chuyến biển cuối năm khá cao, đạt từ 20-30 triệu đồng mỗi người.
Các đại lý tại chợ đã thu mua trung bình 10 tấn cá mỗi đêm chợ. Ngoài thu mua để đưa lên xe đông lạnh vận chuyển đi tiêu thụ các địa phương khác thì các đại đã chọn những loại cá ngon trữ hang để đưa ra bán trong những ngày cận Tết nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dung và góp phần bình ổn giá thủy hải sản trên thị trường trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
LÀNG MAI PHÚ HƯNG TẤT BẬT CUNG ỨNG THỊ TRƯỜNG TẾT
Văn Vũ – Sản xuất
Những ngày này, làng mai Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang tất bật chăm sóc và vận chuyển mai cho khách hàng trong và ngoài tỉnh để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024.
Theo ông Lê Văn Ky, Giám đốc Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng, năm nay, sản lượng mai cung ứng ra thị trường tăng hơn trước do nhu cầu ngày càng cao. 5 năm trở lại đây, thị trường đang rất ưa chuộng loại mai nguyên thủy được cắt, tạo dáng. Hiện, thương lái đều đã liên hệ và đặt hàng từ sớm. Năm nay, mai phát triển tốt hơn năm trước nhờ thời tiết ít lạnh và không tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy vậy, bà con vẫn chủ động các biện pháp xử lý để đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng mai nở muộn, hoặc nở trước tết.