| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh trước giờ 'G' được công nhận vùng an toàn dịch bệnh

Thứ Ba 14/05/2024 , 17:02 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn đang chuẩn bị những bước cuối cùng để tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh.

Ông Trần Văn Chiến (bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thông tin tại họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Chiến (bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thông tin tại họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Ngày 14/5, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn tổ chức họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố Vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh.

Theo ban tổ chức, bên cạnh công bố vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh, trong chuỗi sự kiện lần này sẽ diễn ra lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh cùng lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, địa phương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam , có rất nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là yếu tố quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh.

“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao”, ông Trần Văn Chiến phát biểu.

Tây Ninh hiện có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Ngoài ra, Tây Ninh có 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong chuỗi sự kiện này, tới đây huyện Tân Châu là địa phương thức 2 chính thức được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh.

“Chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. Việc triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu là cơ hội tốt để tỉnh Tây Ninh nâng cao nhận thức, chủ động, có nhiều biện pháp phù hợp hơn để phòng chống dịch bệnh động vật, tiến tới xuất khẩu. Nhờ làm tốt xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong đó, liên doanh Tập đoàn De Hues và Hùng Nhơn là minh chứng”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn thông tin tại họp báo. Ảnh: Lê Bình.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Tập đoàn Hùng Nhơn thông tin tại họp báo. Ảnh: Lê Bình.

Phát biểu tại họp báo, ông Vũ Mạnh Hùng thông tin, Tập đoàn Hùng Nhơn luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trọng điểm trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Để thể hiện quyết tâm và sự chuyên nghiệp của mình, ngày 19/5 tới đây liên doanh này tổ chức lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh.

“Song song đó, chúng tôi còn tổ chức lễ khởi công đồng loạt 7 dự án trọng điểm thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh, dự án kỷ lục về thời gian mà Hùng Nhơn đã triển khai cho đến thời điểm hiện nay.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng, đưa Tây Ninh là địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của Hùng Nhơn”, ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Tại họp báo, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Toàn cầu Tập đoàn De Heus chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác.

Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo khái niệm của OIE/WOAH, để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm.

“Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam”, ông Gabor Fluit phân tích.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Trần Trung.

Tại họp báo, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cũng chia sẻ tầm quan trọng về vùng an toàn dịch bệnh với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Cụ thể, theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH), khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.

Ông Long ghi nhận biểu dương kết quả xây dựng vùng an toàn dịch bệnh của tỉnh Tây Ninh, De Heus, Hùng Nhơn và công tác tổ chức chuỗi sự kiện đầy ý nghĩa, trách nhiệm cao.

“Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu buộc phải tuân thủ các quy định này. Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm động vật đã xuất đi các nước như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật Bản. Tây Ninh đã và đang làm rất tốt trong thời gian qua”, ông Long nhấn mạnh.

Lãnh đạo De Heus và Hùng Nhơn công bố thông tin về Quỹ Từ thiện DHN quy mô 30 tỷ đồng. Ảnh:Lê Bình.

Lãnh đạo De Heus và Hùng Nhơn công bố thông tin về Quỹ Từ thiện DHN quy mô 30 tỷ đồng. Ảnh:Lê Bình.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện De Heus và Hùng Nhơn đã công bố thông tin về Quỹ Từ thiện DHN. Quỹ Từ thiện DHN có quy mô 30 tỷ đồng với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ người nghèo tiếp cận thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 2] Hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch

Dịch tả lợn Châu Phi tạm lắng, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn, sớm vực dậy ngành chăn nuôi vốn khánh kiệt khi dịch bệnh càn quét nhiều tháng qua.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.