Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Sóc Trăng hiện đang rất quan tâm tới xử lý nguồn nước cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi.
Xử lý nguồn nước là yếu tố tiên quyết trong nuôi tôm công nghệ cao
Cách đây khoảng 5 năm, anh Huỳnh Hàn Châu cũng như nhiều hộ dân tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề vẫn còn nuôi tôm theo phương thức truyền thống bằng ao đất. Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu và nguồn nước không được đảm bảo.
Chính vì vậy mà anh Châu đã mạnh dạn chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm bằng ao bạt và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi. Trong đó, việc xử lý nước cho ao nuôi được anh Châu hết sức chú trọng. Nhờ vậy mà 9 ao tôm đều phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 80 tấn, đem về lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Anh HUỲNH HÀN CHÂU - Xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng
Cả khu nuôi của tôi tâm đắc nhất là dành 1 phần đất rất lớn cho việc trữ nước và xử lý nước, khoảng 80% trên diện tích 10 ha đất tại chỗ, chỉ có 20% đất sử dụng cho ao nuôi. Từ đó cung cấp nguồn nước trong, sạch cho các ao nuôi, dẫn đến tỷ lệ thành công cao.
Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đang tập trung chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất trong ngành tôm. Tăng cường phát triển các mô hình tăng trưởng, áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng để ngành tôm phát triển bền vững.
Ông HUỲNH NGỌC NHÃ - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng
Thay đổi cách tuyên truyền về chuyển giao khoa học công nghệ ở nhiều hình thức để làm sao việc cung cấp thông tin các tiến bộ khoa học kỹ thuật kịp thời đến người dân 1 cách tốt nhất để bà con áp dụng được hiệu quả. Nội dung tiếp theo là việc tăng cường tham mưu để cơ sở hạ tầng vùng nuôi thật tốt để ngành tôm được tốt hơn.
Ông VƯƠNG QUỐC NAM - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Đảm bảo được nước sạch và hạ tầng cho khu vực nuôi là điều rất trọng yếu. Ngoại trừ vấn đề giống tốt rồi, còn vấn đề giải quyết cơ sở hạ tầng vùng nuôi. Đó là thuỷ lợi mà tỉnh cũng có kiến nghị, nhất là Bộ NN cung có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ trong các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nuôi.
Hiện, tỉnh Sóc Trăng còn tập trung phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tạo ra các chuỗi liên kết bền vững từ đầu vào cho đến đầu ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng còn tập trung xây dựng vùng nuôi tôm phù hợp với lợi thế của từng địa. Đồng thời, hình thành những vùng nuôi tôm công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị và tính bền vững của ngành tôm.