Trước năm 2018, anh Lương Văn Hà chưa từng nuôi tôm. Nhưng sau khi tiếp cận, tìm hiểu mô hình nuôi tôm CPF-Combine 3 giai đoạn, anh Hà cùng anh em, họ hàng thành lập công ty để nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình này.
Họ cùng nhau góp 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng một trang trại nuôi tôm trên diện tích 8 ha ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, chỉ giành ra 1,3ha để xây các ao nuôi tôm, phần lớn diện tích còn lại để xây dựng hệ thống ao lắng, lọc… Toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành quy trình nuôi tôm CPF-Combine 3 giai đoạn trong trang trại đều có sự giám sát, hướng dẫn thường xuyên của các kỹ sư C.P. Việt Nam.
Anh Hà cho biết hệ thống xử lý nước có vai trò rất quan trọng trong mô hình CPF-Combine mà trang trại đang thực hiện. Với hệ thống này, nguồn nước khi được đưa vào ao nuôi đều là nước sạch, không có vi khuẩn gây hại, các chất độc hại … qua đó, giúp cho con tôm có môi trường an toàn để phát triển thuận lợi.
Đặc biệt, hệ thống này có khả năng xử lý nước nhanh (đầu vào xử lý nước, đầu ra đưa thẳng vào ao nuôi) và luân chuyển liên tục 24/24 giờ. Nhờ vậy, hệ thống không chỉ luôn cấp đủ nước cho ao nuôi mà đảm bảo nguồn nước luôn an toàn cho con tôm vì khi nước vừa hết clo (dùng để diệt khuẩn trong quá trình xử lý nước) thì đã được cấp ngay vào ao nuôi khiến cho tảo, vi khuẩn không có thời gian để xuất hiện và sinh sôi, nảy nở trở lại.
Nhờ có nguồn nước an toàn, nguồn tôm giống sạch bệnh của C.P. Việt Nam cùng nguồn thức ăn chất lượng cao, tôm thẻ nuôi trong trang trại của anh Hà phát triển rất tốt, đạt năng suất bình quân 60-70 tấn/ha. Nhờ vậy, chỉ sau 2 vụ, anh Hà và những người anh em đã thu hồi được toàn bộ số vốn đã bỏ ra để đầu tư trang trại là 13 tỷ đồng.
Đến nay, sau hơn 4 năm với 15 vụ nuôi, trang trại của anh Hà đã thành công tới 14 vụ. Chỉ có 1 vụ thất bại mà nguyên nhân là do sự bất cẩn của con người chứ không phải do quy trình nuôi. Chính vì vậy, anh Hà sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô nuôi tôm theo quy trình CPF-Combine 3 giai đoạn.
Theo ông Nguyễn Hồng Thuấn, đại diện C.P. Việt Nam, trước những rủi ro về dịch bệnh mà người nuôi tôm phải đối mặt ngày càng nhiều, C.P. Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng quy trình CPF-Combine để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi tôm.
Theo đó, CPF-Combine là sự kết hợp nhiều giải pháp quan trọng như an toàn sinh học (dùng chế phẩm sinh học ngăn ngừa vật chủ trung gian, dùng vi sinh khống chế dịch bệnh), môi trường nuôi sạch (nguồn nước đầu vào và đáy ao được xử lý sạch), sử dụng con giống sạch bệnh và dùng thức ăn chất lượng tốt.
Đặc biệt, 100% tôm được thu hoạch từ mô hình CPF-Combine đều có thể chế biến xuất khẩu vì có chất lượng tốt, không có dư lượng kháng sinh, vì quy trình này đã giúp nông dân giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh trên tôm ngay từ khâu xử lý nước, con giống và sự kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi.
Chính vì vậy, tôm nuôi theo mô hình này thường có giá bán tốt, giúp nông dân có lợi nhuận cao. Anh Hà cho biết, giá bán tôm bình quân trong năm nay khoảng 160.000 đồng/kg, trong khi giá thành vào khoảng 90.000-100.000 đồng.
Không những thế, CPF-Combine còn giúp nông dân nuôi tôm thẻ đạt kích cỡ lớn (có thể đạt 15 con/kg) để có giá bán cao hơn, lợi nhuận tốt hơn. Vì hiện nay, trước áp lực cạnh tranh từ tôm thẻ cỡ nhỏ và vừa với giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang có xu hướng tìm mua tôm cỡ lớn để chế biến, xuất khẩu.