| Hotline: 0983.970.780

Tất bật cho xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc

Thứ Hai 01/08/2022 , 08:24 (GMT+7)

Sau khi có Nghị định thư cho thí điểm xuất khẩu quả chanh leo tươi sang Trung Quốc thì cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân đang tất bật hoàn thiện các thủ tục.

Cơ hội rộng mở

Đăk Lăk được biết đến là 1 trong 2 địa phương trồng nhiều chanh leo nhất cả nước. Hiện theo thống kê của Chi cục Trồng trọt thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk thì địa phương này có hơn 1.000ha chanh leo. Đây là chưa kể những hộ dân trồng xen chanh leo trong các vườn cây.

Ông Lê Văn Trọng Đức (ngụ xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, gia đình có 1ha chanh leo. Trước đây, diện tích đất này được gia đình ông Đức trồng tiêu nhưng do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên chết lần.

Sau đó, gia đình nhận thấy chanh leo phù hợp nên bắt đầu trồng thử nghiệm. Lứa đầu tiên đầu ra khó, phải đưa sản phẩm đi mấy chục km mới có điểm thu mua.

Ông Lê Văn Trọng Đức vui mừng khi quả chanh leo tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lê Văn Trọng Đức vui mừng khi quả chanh leo tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

“Sau thời gian thử nghiệm, hàng xóm thấy có hiệu quả nên bắt đầu trồng theo. Lúc này số lượng chanh leo lớn nên thương lái đến tận nhà thu mua. Mỗi năm gia đình thu hoạch 50 tấn với giá bán trung bình là 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Bộ NN-PTNT làm việc với Trung Quốc để xuất khẩu quả chanh tươi thì bà con rất phấn khởi. Trồng chanh leo có nhiều vấn đề về thuốc, phân. Để đủ điều kiện xuất khẩu thì chúng ta cũng nên làm theo yêu cầu của nhà thu mua. Nếu việc xuất khẩu được thuận lợi thì thu nhập của người trồng chanh leo sẽ nâng cao”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban kiểm soát HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Vạn Xuân cho biết, đơn vị được thành lập cuối năm 2020 đến nay đã có 250 thành viên với diện tích canh tác hơn 50ha. HTX ra đời để liên kết người dân tổ chức sản xuất nông sản, đặc biệt là cây chanh leo.

Hiện nhiều diện tích chanh leo được trồng xen trong các vườn cây. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nhiều diện tích chanh leo được trồng xen trong các vườn cây. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Tiến, trước đây chanh leo còn bấp bênh về đầu ra. Tuy nhiên hiện HTX liên kết với Công ty Cổ phần XNK Phước An nên không lo về giá.

“Đơn vị cũng đang liên kết với công ty để cấp mã vùng, mã vạch cũng như quản lý nông dân trên nhật ký điện tử. Hiện các thành viên HTX rất vui mừng vì đầu ra ổn định. HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích nhưng vẫn làm sao đảm bảo số lượng, chất lượng để đủ điều kiện xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc”, ông Tiến chia sẻ.

Tiềm năng rất lớn

Khi quả chanh leo tươi được Trung Quốc đồng ý cho nhập khẩu chính ngạch, Công ty Cổ phần XNK Nông sản Phước An đã tiến hành liên kết với 16 HTX tại Đăk Lăk, Đắk Nông, Gia Lai. Hiện tổng số diện tích liên kết là hơn 1.000ha.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Nông sản Phước An cho biết, công ty được Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, đánh giá đủ điều kiện để xuất khẩu trái chanh leo tươi.

Hiện nay, công ty đang triển khai hệ thống quản lý chất lượng, cung cấp mã số vùng trồng, nhật ký điện tử cho các HTX liên kết.

“Việc này nhằm hướng dẫn người nông dân tuân thủ đúng quy trình mà nước nhập khẩu đưa ra. Phương án của công ty là liên kết với các HTX để xin cấp mã vùng trồng, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Trước đây trái chanh leo chưa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì người nông dân canh tác nhỏ lẻ. Hiện Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch thì mở ra cơ hội rất lớn, tạo đà phát triển cho quả chanh leo bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, thời gian tới công ty là tiếp tục liên kết các HTX để mở rộng diện tích lên 1.500ha với tiêu chí đạt chuẩn để xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Tùng nhấn mạnh.

Chanh leo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân nếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Chanh leo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân nếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, năm 2020 diện tích hồ tiêu chết hàng loạt, người dân muốn chuyển đổi sang cây trồng mới.

Do đó, Trạm khuyến nông đánh giá cây chanh leo có thể tận dụng được diện tích tiêu chết nên thí điểm trên diện tích 2,5ha.

“Trong quá trình canh tác thì chúng tôi nhận thấy cây chanh leo có nhiều lợi thế. Thứ nhất là cây chanh leo phù hợp với địa phương, thứ 2 là tận dụng được những điều kiện sẵn có của vườn tiêu, cái thứ 3 là hiệu quả kinh tế từ vườn chanh leo mang lại rất cao. Mỗi năm người dân có thể thu hoạch 50 tấn/ha với giá bình quân 10.000 đồng/kg thì thu nhập rất cao. Với hiệu quả kinh tế như vậy chỉ sau 1 năm diện tích chanh leo đã tăng lên lên 50ha”, ông Minh chia sẻ.

Trước việc tăng nhanh, UBND huyện Cư Kuin đã có ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có quả chanh leo. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin hiện nay là quy hoạch vùng, phát triển vùng để hình thành nên các tổ chức nông dân.

“Hiện chanh leo đã được xuất khẩu chính ngạch thì nhiệm vụ của chúng tôi thêm 1 bước nữa là đi tìm các doanh nghiệp có đủ năng lực bắt tay với nông dân. Sắp tới địa phương sẽ quy hoạch, phát triển chanh leo lên 200ha. Do đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực liên kết với địa phương để đưa quả chanh leo xuất khẩu chính ngạch. Từ đó để quả chanh dây đi xa, đúng theo mục đích của mình”, vị Trạm trưởng nói thêm.

Để đủ điều kiện xuất khẩu, ông Minh cho biết, cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân nắm được quy trình canh tác mà theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu yêu cầu. Theo ông Minh đây là việc cực kỳ quan trọng vì nếu không đáp ứng được thì khó đưa quả chanh leo đi chính ngạch sang Trung Quốc.

“Thời gian qua chúng tôi đã thành lập các HTX, đây là tổ chức là đại diện cho bà con trong vùng đi tìm doanh nghiệp đủ cơ sở, khả năng để đưa mặt hàng chanh leo đi xuất khẩu. Khi thành lập HTX thì chúng tôi tiếp tục tập huấn cho bà con nông dân về các tiêu chuẩn, chất lượng mà theo xuất khẩu chính ngạch yêu cầu.

Hiện chúng tôi bám vào 2 tiêu chuẩn chính là VietGAP và GlobalGAP. Yêu cầu các thành viên HTX tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn, không để xảy ra sơ sót. Hy vọng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nỗ lực của thành viên HTX thì tôi nghĩ rằng chanh leo sẽ phát triển mạnh hơn và sản phẩm đi xa hơn”, ông Minh thông tin.

Hiện chanh leo đang được mở rộng tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Quang Yên.

Hiện chanh leo đang được mở rộng tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Quang Yên.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, một trong những tiêu chuẩn xuất khẩu vào Trung Quốc là xây dựng mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói.

Theo ông Côn, không chỉ đến bây giờ mà trước đây khi Luật Trồng trọt ra đời, ngành nông nghiệp Đăk Lăk đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn để bà con nông dân nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

“Sau khi Trung Quốc ký nghị định thư cho phép quả chanh leo xuất khẩu chính ngạch thì việc này cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người sản xuất, người thu mua nắm bắt được các quy định cụ thể của Nghị định thư”, ông Côn nói.

Theo ông Phó giám đốc, nghị định thư cho phép nhập khẩu mới là điều kiện cần, còn lại điều kiện đủ là phải sản xuất đảm bảo chất lượng. Việc này phải làm đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến.

“Hai tiêu chí quan trọng là tồn dư thuốc BVTV cũng như các loại dịch hại trên quả chanh leo. Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ hai tiêu chí này ngay cả sau khi quả chanh leo đã vào nội địa. Do đó, để quả chanh leo tươi xuất khẩu bền vững thì người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đưa ra”, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm