Hơn 15.000 ngôi nhà bị ngập tại Quảng Bình. Xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng mạnh. Quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với văn hóa. Đẩy mạnh sản xuất lúa - tôm an toàn sinh học tại Kiên Giang.
Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 6 đã gây ngập lụt sâu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Hiện có 15.0031 ngôi nhà bị ngập trong nước. Lệ Thủy là huyện có số nhà bị ngập nhiều nhất với gần 11,000 ngôi nhà, trong đó khoảng 35% số lượng bị ngập trên 1m. Tại huyện Quảng Ninh, lụ lụt làm ngập 4.026 nhà, chia cắt tuyến đường đi qua 112 thôn bản. Thành phố Đồng Hới cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ, đặc biệt khu vực ngập sâu nhất tại phường Đức Ninh Đông và xã Đức Ninh với hơn 370 hộ dân. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 1A đoạn Km696+600 – Km697 nước ngập 0,45m gây ách tắc giao thông. Các tuyến Quốc lộ 9B, Quốc lộ 9C nước ngập sâu nhiều đoạn. Các lực lượng chức năng đang triển khai phân luồng phương tiện ra tuyến đường tránh lũ để tránh ù ứ tuyến giao thông Bắc - Nam
XUẤT KHẨU CHÈ SANG TRUNG QUỐC TĂNG MẠNH
Thực hiện: Quỳnh Anh (khai thác)
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 9 năm nay đạt hơn 13 nghìn tấn, trị giá 23,12 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 21,2% về trị giá so với tháng 8 nhưng tăng 21,3% về lượng và tăng 22,5% về trị giá so với tháng 9/2023. Tính chung, 9 tháng năm nay, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 105,84 nghìn tấn, trị giá 185,65 triệu USD, tăng 29,5% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong 9 tháng qua, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 245,6% về lượng và tăng 108,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 10,47 nghìn tấn, với trị giá 14,94 triệu USD.
QUẢNG BÁ SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ GẮN VỚI VĂN HÓA
Thực hiện: Quỳnh Anh (khai thác)
Thực hiện các mục tiêu trong “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, hiện nhiều địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề; bước đầu phát triển theo hướng du lịch, xây dựng các mô hình, tour, tuyến du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Mẫu mã sản phẩm và vùng nguyên liệu được quan tâm. Sản phẩm từ làng nghề đã được truyền thông xây dựng câu chuyện để quảng bá trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ NN-PTNT cho rằng, hàng thủ công mỹ nghệ gắn với truyền thống văn hóa nên các chương trình xúc tiến thương mại luôn tạo cho được ấn tượng đối với người tiêu dùng trên cơ sở trưng bày, tổ chức sự kiện và đặc biệt là kể những câu chuyện về các sản phẩm đó gắn với vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống các vùng miền. Việc quảng bá, xúc tiến trên nền tảng giá trị văn hóa chứ không thuần túy chỉ là giá trị sử dụng.
KIÊN GIANG: ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT LÚA - TÔM AN TOÀN SINH HỌC
Thực hiện: Quỳnh Anh (khai thác)
Theo kế hoạch, vụ lúa Mùa 2024 - 2025 sản xuất luân canh trên nền đất một vụ lúa, một vụ tôm của tỉnh Kiên Giang xuống giống từ ngày 25/8 đến 25/10/ 2024. Đến thời điểm hiện tại, nông dân các vùng lúa-tôm trong tỉnh xuống giống dứt điểm vụ lúa và hầu hết nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Đây là biện pháp canh tác được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân rộng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, giá bán, tăng lợi nhuận cho nông dân. Theo Sở Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất lúa-tôm 117.340 ha. Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100 - 130 triệu đồng/ha. Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục chuyển sang phát triển mô hình tôm - lúa này đối với diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ 3 tháng trở lên phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.