Xuất khẩu hải sản tăng 51%. Tiền Giang đứng đầu cả nước về mã số vùng trồng. Cảnh báo thời tiết nắng nóng gây hại cho tôm. Giá gạo xuất khẩu giảm 5 USD/tấn.
XUẤT KHẨU HẢI SẢN TĂNG 51%
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, sau khi tăng 6,7% trong năm 2021, xuất khẩu hải sản 2 tháng đầu năm 2022 ghi nhận tăng trưởng lên tới 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt 573 triệu USD, chiếm tỷ trọng 38% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản.
Các loài hải sản hầu hết đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: cá ngừ đạt 156 triệu USD, tăng 83,3%; mực và bạch tuộc đạt 98 triệu USD, tăng 45,5%; cua ghẹ đạt 34 triệu USD, tăng 85%.
Tăng trưởng xuất khẩu hải sản tiếp tục ở mức cao trong 2 tháng đầu năm sẽ là tiền đề quan trọng để ngành tiếp tục đầu tư phát triển trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức do giá xăng dầu, chi phí logicstic tăng cao,….
TIỀN GANG ĐỨNG ĐẦU CẢ NƯỚC VỀ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn và số loại trái cây được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 19.000 ha vườn cây ăn trái được cấp 281 mã số vùng trồng; trong đó, có 127 mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc cho 6 loại trái cây gồm: mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chuối và chôm chôm.
Số diện tích còn lại được cấp sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc và NewZealand với diện tích trên 1.800ha, gồm 4 loại trái cây: Thanh long, xoài, chôm chôm và vú sữa.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 728 cơ sở đóng gói được cấp mã số sang Trung Quốc, Mỹ, Úc và NewZealand.
Tuy nhiên, Tiền Giang cũng là địa phương có mã số bị thu hồi nhiều nhất và diện tích được cấp mã số còn ít so với tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Để khắc phục những hạn chế này, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác giám sát, quản lý, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò và tầm quan trọng của vấn đề cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trong sản xuất bền vững ngành hành trái cây, nhất là phục vụ chiến lược xuất khẩu.
CẢNH BÁO THỜI TIẾT NẮNG NÓNG GÂY HẠI CHO TÔM
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III vừa phát đi văn bản tới các tỉnh từ Đà Nẵng, tới Bình Thuận, cảnh báo nắng nóng, trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4-6 sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của tôm nuôi nước lợ và tôm hùm nuôi lồng. Từ đó dẫn tới dịch bệnh dễ xảy ra trên tôm, nhất là bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi và bệnh nhân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ.
Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết gây ra, người dân có thể áp dụng một số giải pháp khắc phục được Tổng cục Thủy sản khuyến cáo như:
Theo dõi chặt chẽ thời tiết, yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH, độ mặn, nhiệt độ, màu tảo...
Bám sát khung thời vụ thả giống năm 2022, tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc biệt, người nuôi cần lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm.
Sử dụng thức ăn tươi sống có bổ sung thêm các chế phẩm sinh học và các loại vitamin, khoáng chất.
Thường xuyên lặn, theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm hùm nuôi cùng với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ lột của tôm.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU GIẢM 5 USD/TẤN
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và có xu hướng đi ngang sau nhiều phiên điều chỉnh giảm. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm 5 USD/tấn.