| Hotline: 0983.970.780

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang - nỗi lo khi mùa hè đến

Thứ Bảy 26/06/2021 , 08:55 (GMT+7)

Kiến ba khoang là nỗi ám ảnh của nhiều người, vì chúng thường bay vào nhà và nguy cơ bị viêm da nếu vô tình tiếp xúc hay cọ vào.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là một dạng viêm da khá phổ biến. Dạng viêm da này xuất hiện theo mùa, đặc biệt vào mùa hè, mùa mưa -  thời điểm kiến ba khoang xuất hiện nhiều. Tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang lại gây khó chịu, lo lắng và có thể bùng phát thành “dịch” tại một khu vực nào đó.

Nguy cơ bị viêm da nếu vô tình tiếp xúc hay cọ vào kiến ba khoang. Ảnh minh họa.

Nguy cơ bị viêm da nếu vô tình tiếp xúc hay cọ vào kiến ba khoang. Ảnh minh họa.

Kiến ba khoang (Paederus) là loại côn trùng thuộc bộ Coleoptera, họ Staphylinidae (bọ cánh cứng). Tại Việt Nam, kiến ba khoang còn được gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong… bởi nó có các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Kiến ba khoang sống trong môi trường ẩm ướt, chủ yếu ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… Chúng rất ưa ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn… nếu cửa nhà mở.

Loài côn trùng này không cắn hoặc đốt mà người bệnh bị tổn thương khi vô tình bị tiếp xúc hay cọ vào chúng. Độc tố Pederin trong kiến ba khoang rất mạnh. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết. 

Viêm da do kiến ba khoang hay xuất hiện ở các vùng da hở như cổ, mặt, lưng, tay, chân… Ảnh minh họa.

Viêm da do kiến ba khoang hay xuất hiện ở các vùng da hở như cổ, mặt, lưng, tay, chân… Ảnh minh họa.

Những dấu hiệu tổn thương trên da sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang

Vị trí tổn thương ban đầu thường gặp hơn ở những vùng da hở như: cổ, mặt, lưng, tay, chân… Trường hợp tiếp xúc nhẹ, có thể xuất hiện một ban đỏ nhỏ trong một vài ngày. Ban đỏ có hình thù tùy thuộc theo hình dạng mà da bị tiếp xúc độc chất, có thể hình đám, hạt, mảng, vệt… Với các trường hợp tiếp xúc vừa, ban đỏ tiến triển thành mụn nước - mụn mủ hoặc bọng nước trong vài ngày.

Sau một tuần là giai đoạn đóng vảy mịn - dính trên bề mặt thương tổn da sau khi mụn nước - mụn mủ khô. Kế đến là giai đoạn vảy bong tróc, để lại các “vệt” da đỏ, tăng hoặc giảm sắc tố. Sau đó, các vết tích này biến mất dần và thường không để lại sẹo.

Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng, ngoài việc xuất hiện các mảng phồng rộp rộng hơn, có thể có thêm các triệu chứng như sốt, đau rát thần kinh, đau khớp và nôn… Đặc biệt, có trường hợp tự tiếp xúc thứ phát, tức là vùng da lành khác bị tiếp xúc với vùng da bệnh do các hoạt động vô tình trong sinh hoạt như chà xát vô thức trên da, gập khớp khi vận động hoặc tư thế…

Bên cạnh đó, nếu hành động tự tiếp xúc thứ phát vô tình chuyển paederin sang các khu vực da khác của cơ thể, chẳng hạn như bộ phận sinh dục ngoài hoặc mặt, có thể tạo những mảng viêm da mới và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Thậm chí, các bọng nước có thể lan rộng trên một diện tích lớn của cơ thể gây bội nhiễm, đau rát, có thể sốt, hạch vùng sưng đau, gây viêm kết mạc…

Phân biệt viêm da tiếp xúc kiến ba khoang với bệnh zona

Vì một số biểu hiện trên da hơi giống nhau nên nhiều người thường nhầm lẫn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với bệnh zona thần kinh. Đã có người vì nhầm lẫn hai bệnh này nên đã tự ý mua thuốc về điều trị khiến tổn thương nghiêm trọng hơn.

Để phân biệt tổn thương do kiến ba khoang gây ra với bệnh zona thần kinh chúng ta cần biết: Với zona thì mụn nước mọc thành chùm, khu trú; còn viêm da tiếp xúc do kiến khoang thường bệnh nhân thấy nóng rát trước sau đó thì xuất hiện rát đỏ, tổn thương đi thành từng vệt. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác, chủ yếu là cảm giác nóng rát hơn là cảm giác đau nhức của zona. 

Cần biết phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với bệnh zona thần kinh. Ảnh minh họa.

Cần biết phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với bệnh zona thần kinh. Ảnh minh họa.

Cần làm gì khi dính độc tố kiến ba khoang?

Theo các chuyên gia, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin - loại độc tố rất mạnh có thể gây phồng rộp da. Tuy nhiên, nếu biết xử lý đúng cách thì ngay cả khi đã bị dính độc tố kiến ba khoang cũng không quá nguy hiểm.

Lời khuyên của các bác sĩ là nếu bị dính độc tố của kiến, cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước (có thể dùng nước muối sinh lý), rửa lại bằng xà phòng, nếu có cồn thì có thể rửa sạch và sát trùng bằng cồn. Cần nhẹ nhàng để tổn thương không bị vỡ ra. Có thể dùng hồ nước bôi để làm dịu tổn thương. Nếu đau, ngứa nhiều, tổn thương rộng hoặc ở những vùng nhạy cảm như mặt, mắt… thì nên đi khám ngay để có hướng điều trị phù hợp.

Tìm kỹ trong chăn, màn, ga giường… xem có xác kiến ba khoang hay không sau đó thay và giặt sạch các đồ dùng trên. Nên lau nhà, tìm xem còn kiến ba khoang hay không. Nếu gặp kiến ba khoang thì nên dùng găng tay, giấy để bắt, giết và gói gọn lại trong tờ giấy sau đó bỏ vào thùng rác. Khi đã bị chất độc từ kiến ba khoang dính trên da, không tự ý điều trị, không đắp bài thuốc dân gian khiến thời gian hồi phục lâu hơn.

Cách phòng tránh kiến ba khoang

Đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà thì cần hạn chế mở cửa. Nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở nhiều cây cối, gần cánh đồng... khi bật đèn. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà.

Phải ngủ trong màn. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng. Chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng.

Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Trường hợp quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến ba khoang thì cần được giặt thật kỹ.

Khi bị bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng hướng và kịp thời.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất