| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Hà Lan: Tăng cường hợp tác phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Thứ Năm 21/03/2024 , 17:02 (GMT+7)

Ngày 21/3, tại TP.HCM, Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Việt Nam - Hà Lan lần thứ ba thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế.

Cuộc thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn bàn về quy hoạch tổng thể ĐBSCL và quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hà Lan, đóng góp như thế nào vào sự phát triển bền vững ở ĐBSCL. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cuộc thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn bàn về quy hoạch tổng thể ĐBSCL và quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Hà Lan, đóng góp như thế nào vào sự phát triển bền vững ở ĐBSCL. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thuận thiên, nâng cao giá trị

Sự kiện được tổ chức trong chuỗi hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Hà Lan trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan, Bộ Chính sách Tự nhiên và Nitơ Hà Lan, cùng 140 thành viên doanh nghiệp Hà Lan. Các lĩnh vực trọng tâm của đoàn là công nghệ và quản lý nước; nông nghiệp thực phẩm canh tác, logistics xanh và thông minh.

Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng; Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lâm; lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL, đại diện các Bộ ngành Việt Nam.

Về phía Hà Lan có Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Quản lý Nước Hà Lan Mark Harbers; Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ (thuộc Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm) Hà Lan Christianne van der Wal; Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar; Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Daniel Stork. Sự kiện thu hút hơn 300 đại biểu, khách mời.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết 120 để phát triển ĐBSCL, trong đó thành lập Ban điều phối liên quan tất cả các lĩnh vực của ĐBSCL. Vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Trong đó, vùng cung cấp 56% sản lượng gạo, 70% lượng thủy sản, 64% lượng trái cây cung cấp cho cả nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhìn nhận, ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu, môi trường, giá cả áp lực lớn. Vì vậy, Bộ NN-PTNT tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng thực phẩm, nâng cao giá trị và thuận thiên, sống chung với biến đổi khí hậu để sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gửi lời cám ơn Chính phủ, các bộ ngành của Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng về hạ tầng, cũng như phát triển bền vững.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ này, nhất là Bộ tài nguyên nước Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam ứng phó với xâm nhập mặn và phát triển bền vững ở ĐBSCL”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Để khắc phục những khó khăn của vùng ĐBSCL, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ có 4 giải pháp căn cơ trên các lĩnh vực đời sống.

Cụ thể, tập trung vào cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phần lao động chân tay, nâng cao năng suất hàng hóa; Tập trung số hóa ứng dụng trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng hàng hóa; Xây dựng Đề án chuỗi logistics nông sản để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng trình Chính phủ; Triển khai đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về giảm phát thải vào năm 2050.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, vấn đề cốt yếu trong sản xuất của nông nghiệp vùng ĐBSCL là sụt lún, nguồn nước và đất. Do đó, hiện Chính phủ có nhiều giải pháp để khắc phục, hạn chế tối đa vấn đề này.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hà Lan cùng tham gia vào quy trình xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vừa thuận thiên, vừa nâng cao giá trị cho người dân, qua đó phát triển bền vững vùng ĐBSCL”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Dự án DeltaVax nhằm chuyển đổi chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL có sự hợp tác giữa Fresh Studio BV, PHARMAQ, De Heus Vietnam, Đại học Cần Thơ và Fresh Studio Innovations Asia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dự án DeltaVax nhằm chuyển đổi chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL có sự hợp tác giữa Fresh Studio BV, PHARMAQ, De Heus Vietnam, Đại học Cần Thơ và Fresh Studio Innovations Asia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

18 thỏa thuận hợp tác tăng cường phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Tại Diễn đàn, 18 thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam - Hà Lan đã được ký kết thuộc nhiều lĩnh vực nhằm hiện thực hóa tiềm năng của ĐBSCL với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Các dự án tập trung để phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng lúa bền vững; chương trình gắn kết Thanh niên ĐBSCL; Đặc biệt, hợp tác giải quyết thách thức suy giảm nguồn nước ngọt trước tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cũng thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững và nỗ lực xuất khẩu nông sản bền vững của Việt Nam sang thị trường Hà Lan và châu Âu…

Tại diễn đàn, 3 phiên thảo luận tập trung trao đổi xoay quanh vấn đề liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL như “Giải pháp ngọt ngào cho thách thức mặn”; “Hợp tác kỹ thuật số”; “Khả năng kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vùng ĐBSCL”.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phần lớn diện tích trong vùng, gây thiệt hại nặng nề cho hàng triệu ha đất canh tác và sinh kế của hàng ngàn hộ gia đình.

Ngân hàng Phát triển Doanh nhân Hà Lan (FMO) trao khoản vay trị giá 90 triệu USD cho Tập đoàn Lộc Trời nhằm triển khai dự án 'Giải pháp Lộc Trời 1ha'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngân hàng Phát triển Doanh nhân Hà Lan (FMO) trao khoản vay trị giá 90 triệu USD cho Tập đoàn Lộc Trời nhằm triển khai dự án "Giải pháp Lộc Trời 1ha". Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại Diễn đàn, các đại biểu khẳng định, quy hoạch tổng thể ĐBSCL của Chính phủ Việt Nam được triển khai vào năm 2022 rất phù hợp với mối quan hệ song phương lâu dài giữa Việt Nam - Hà Lan. Cùng với đó, Hà Lan tiếp tục cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học và phi chính phủ của Việt Nam để triển khai thành công quy hoạch tổng thể nhằm giúp người dân, nền kinh tế và thiên nhiên ở vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng xem xét những thách thức, cơ hội và tiềm năng để cùng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL.

Bà Ingrid Thijssen, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Sử dụng lao động Hà Lan (VNO-NCW) cho rằng, cần phải có những hành động sớm và cụ thể để hiện thực hóa những bản ký kết hợp tác, đồng thời biến những thách thức thành cơ hội hợp tác giữa Việt Nam - Hà Lan.

Các đại biểu tìm hiểu về những sáng kiến nhằm hướng tới cắt giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở ĐBSCL cũng như đề xuất về các cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước của IDH Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các đại biểu tìm hiểu về những sáng kiến nhằm hướng tới cắt giảm lượng khí thải carbon của chuỗi cung ứng tôm và cá tra ở ĐBSCL cũng như đề xuất về các cơ hội hợp tác tiềm năng giữa hai nước của IDH Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Phái đoàn Hà Lan tìm hiểu về sản phẩm mật dừa nước của Sokfarm - doanh nghiệp nhận được khoản đầu tư trị giá 1 triệu euro từ Quỹ tác động Triple I nhằm 'Thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tính toàn diện và đa dạng cho nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL'. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phái đoàn Hà Lan tìm hiểu về sản phẩm mật dừa nước của Sokfarm - doanh nghiệp nhận được khoản đầu tư trị giá 1 triệu euro từ Quỹ tác động Triple I nhằm “Thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tính toàn diện và đa dạng cho nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL”. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Vô vàn cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của chúng ta. Tôi tin rằng, phái đoàn doanh nghiệp hôm nay đã thấy được những tiềm năng hợp tác tại ĐBSCL và có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia về nông nghiệp sẽ đóng góp quan trọng để xây dựng ĐBSCL phát triển lương thực, thực phẩm bền vững. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành nước Hà Lan có những giải pháp giúp các doanh nghiệp ĐBSCL bảo vệ được nguồn nước, đời sống sinh kế của người dân.

Hà Lan là một trong những quốc gia sống ở dưới mực nước biển và là một trong những quốc gia từ lâu sống hòa thuận với nước. Đây là những lợi thế để Hà Lan chia sẻ với Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài ra, Hà Lan có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, cảng biển. Với sự phát triển gần đây của nền kinh tế Việt Nam, tôi cho rằng những doanh nghiệp này mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng hơn những dịch vụ về hàng không, vận tải đường biển ở Việt Nam”, bà Ingrid Thijssen nói.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.