| Hotline: 0983.970.780

Dịch vụ khuyến nông có thể là lời giải cho phát triển bền vững

Thứ Tư 19/04/2023 , 13:50 (GMT+7)

Thay vì hỗ trợ tài chính hoặc các biện pháp ngắn hạn, CGIAR khuyến cáo tăng cường phát triển những biện pháp củng cố an ninh lương thực mang tính bền vững.

Nhiều chương trình hợp tác về lương thực - nông nghiệp hiện mới dừng ở phương thức tài trợ, thay vì đầu tư phát triển bền vững. Ảnh: CGIAR.

Nhiều chương trình hợp tác về lương thực - nông nghiệp hiện mới dừng ở phương thức tài trợ, thay vì đầu tư phát triển bền vững. Ảnh: CGIAR.

Ước tính, thế giới năm 2021 có thêm 150 triệu người bị đói so với năm 2019, theo CGIAR. Con số này được dự báo tăng bởi dịch bệnh, xung đột ở Ukraine, biến đổi khí hậu.

Nếu không có các biện pháp kịp thời và những hợp tác chiến lược cấp quốc gia, Báo cáo "Chấm dứt nạn đói: Vai trò của tài chính nông nghiệp - lương thực", do CGIAR tài trợ, ước tính rằng gần 670 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030.

Trước viễn cảnh này, bà Carin Smaller, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thực phẩm và Khí hậu Shamba vẫn lạc quan: “Chấm dứt nạn đói không thể không thực hiện được". Theo bà, mục tiêu này "trong tầm tay", miễn là phải có sự tăng cường tài trợ đáng kể, nhằm duy trì năng suất, tính bền vững và khả năng phục hồi của các hệ thống nông nghiệp, lương thực trên toàn thế giới.

Trên thực tế, vào năm 2020, Tổ chức Ceres2030 đã dự báo rằng cần chi thêm 33 - 50 tỉ USD hàng năm để chấm dứt nạn đói một cách bền vững vào năm 2030.

Việc tìm những quỹ như vậy đòi hỏi phải thay đổi tư duy của mọi bên liên quan, từ việc tập trung vào ứng phó khủng hoảng ngắn hạn sang nhấn mạnh các biện pháp nhằm củng cố an ninh lương thực trong dài hạn. Những can thiệp như vậy bao gồm dịch vụ khuyến nông, nghiên cứu nông nghiệp, dịch vụ thông tin kỹ thuật số và mở rộng mạng lưới tưới tiêu quy mô nhỏ.

Ba chiến lược lớn để tăng khối lượng và tác động của tài chính cho các hệ thống nông nghiệp - lương thực được báo cáo chỉ ra. Đó là: Tăng quy mô tài trợ phát triển những mục tiêu trong ngắn hạn; Thúc đẩy tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân; Tối đa hóa hiệu quả của đầu tư hiện có.

Trong số này, dịch vụ khuyến nông đặc biệt được lưu ý bởi có tác động cao, chi phí thấp và có khả năng thâm nhập vào những khu vực vùng sâu, vùng xa.

Báo cáo cũng cho thấy, hiện có quá ít đầu tư hướng tới cải thiện dài hạn trong sản xuất lương thực, với chưa đến 7,5% viện trợ nước ngoài được chi cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, đây là những nhiệm vụ then chốt để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2021.

Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ các tổ khuyến nông cộng đồng. 

Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ các tổ khuyến nông cộng đồng. 

Bà Claudia Sadoff , Giám đốc điều hành của CGIAR cho biết: “Viện trợ lương thực nhân đạo là một phản ứng tự nhiên đối với khủng hoảng, nhưng việc tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới sẽ cho phép nhân loại thoát khỏi chu kỳ ứng phó với khủng hoảng và xây dựng khả năng phục hồi lâu dài”.

Theo bà Sadoff, việc đầu tư này cần có thời gian để "đơm hoa kết trái". Tuy nhiên, kết quả mà những dự án mang lại sẽ cho kết quả lâu dài, đặc biệt với các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Rasmus Egendal, Phó Giám đốc Ban Đối tác Chính phủ, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) chia sẻ, rằng các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nước đang phát triển.

"Đôi khi chúng ta cần phải kiên nhẫn. Sự tiến bộ là điều chắc chắn xảy ra, nhưng không phải là trong ngày một ngày hai", ông nói. Cũng theo vị này, đầu tư vào an ninh lương thực dài hạn chưa được quan tâm tương xứng, đồng thời gây thêm "áp lực cho các nhu cầu nhân đạo”.

Những cải tiến mang tính hệ thống trong nông nghiệp có thể mang tới những tác động không ngờ trong việc giảm nạn đói. Ví dụ, chỉ cần tăng trưởng 1% sản xuất nông nghiệp hàng năm ở Nigeria, 6 triệu người dân nước này có thể thoát nghèo.

Tương tự, nếu những nông hộ quy mô nhỏ lẻ được cung cấp thiết bị lưu trữ hiện đại, chẳng hạn như silo kín và túi lưu trữ, họ có thể giảm 40% thất thoát lương thực và đảm bảo được việc có nhiều lương thực hơn đến được chuỗi cung ứng.

Từ thực tế này, bà Saharah Moon Chapotin, Giám đốc Điều hành của Quỹ Nghiên cứu Lương thực & Nông nghiệp nhận xét: “Đầu tư vào nông nghiệp có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách xóa đói giảm nghèo và mang lại cho mọi người khả năng mua thực phẩm họ cần". 

Hiện gần một nửa hoạt động hỗ trợ phát triển chính thức ở nước ngoài (vốn ODA) dành cho lương thực và nông nghiệp được chi trả dưới hình thức viện trợ lương thực. Các chuyên gia của CGIAR tin rằng, điều này chỉ có thể được cải thiện bằng những cam kết mạnh mẽ hơn của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Xuyên suốt năm 2022, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã tạo dấu ấn đậm nét và mang tính đột phá khi triển khai thành công Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Hàng chục tổ khuyến nông cộng đồng đã được thành lập ở khắp các tỉnh, thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần dần hình thành khái niệm "dịch vụ khuyến nông", cũng như phát triển thương hiệu "Khuyến nông Việt Nam".

Xem thêm
Vùng cao chăn nuôi bài bản

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Kiểm tra về an toàn thực phẩm còn chung chung

HẢI PHÒNG Theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).