Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến 18 giờ 30 phút ngày 8/3, Việt Nam đã huy động hai máy bay và bảy tàu tham gia tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Hiện hai máy bay đã trở về đất liền.
Tờ New Strait Times của Singapore vừa cho biết, cục hàng không dân dụng Malaysia đã chính thức đề nghị Việt Nam cũng cấp thông tin về hai vết dầu loang vừa được phát hiện ở gần địa điểm được cho là trùng với vùng trời mà máy bay của Malaysia Airlines mất tín hiệu. |
Tổng số các phương tiện được huy động trực sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn hiện nay gồm năm máy bay và bốn tàu, cụ thể là một máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất; hai chiếc ở sân bay Đà Nẵng và sân bay Vũng Tàu có hai máy bay; ba tàu tại đảo Phú Quốc và một tàu ở Vũng Tàu.
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Hải quân vùng 5 cho biết, vào lúc 15 giờ 30 phút chiều nay (8/3), đơn vị đã điều động 2 tàu, trong đó có 1 tàu vận tải và 1 tàu chuyên dùng cứu hộ cứu nạn trên biển đến vị trí nghi vấn máy bay của Malaysia bị rơi cách đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang) khoảng 150 hải lý.
Dự kiến sau 15 tiếng xuất hành, tàu cứu hộ cứu nạn sẽ tiếp cận được hiện trường khu vực máy bay rơi.
Ngoài ra, Vùng Cảnh sát biển 4 cũng đã điều 1 tàu mang số hiệu 2001 xuất phát từ lúc 14h20 phút cùng ngày ra hiện trường. Sau 3 tiếng xuất phát, tàu cứu hộ còn cách vị trí máy bay gặp nạn khoảng 80 hải lý. Theo dự kiến khoảng 19 giờ tối 8/3 tàu tiếp cận được hiện trường máy bay gặp nạn.
Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: “Khi xuất bến, tàu mang theo các phao và lương thực thực phẩm, thuốc quân y để sẵn sàng cứu hộ”.
Đến chiều tối ngày 8/3, đã có 13 nước công bố công dân đi trên chuyến bay định mệnh MH370 gồm: 154 người (có 1 trẻ em) Trung Quốc, 38 người Malaysia, 13 người Indonesia, 7 người Australia, 4 người (có 1 trẻ em) Mỹ, 3 người Pháp, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine, 2 người Canada, 1 người Nga, 1 người Đài Loan (Trung Quốc), 1 người Áo, 1 người Italia và 1 người Hà Lan.