| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam là nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Thứ Ba 18/04/2023 , 16:51 (GMT+7)

Việc đăng cai Hội nghị nhằm truyền tải thương hiệu 'Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững' của nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế.

Bộ NN-PTNT tổ chức buổi họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT tổ chức buổi họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững

Thông tin tại buổi họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm (LTTP) bền vững tại Bộ NN-PTNT ngày 18/4, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới", sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/4 tới đây. 

Tại buổi họp báo, Nhà báo Hoài Phương, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã đặt câu hỏi: “Hội nghị là cơ hội để Việt Nam quảng bá được các sản phẩm nông nghiệp ra thế giới. Thông qua sự kiện này, Bộ NN-PTNT mong muốn lan tỏa những thông điệp gì?”

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống LTTP năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Kế hoạch hành động đề cập tới hợp tác đa ngành, đa cấp và đưa ra các nhiệm vụ, hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.

Việc đăng cai Hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp LTTP minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...

Cũng tại cuộc họp, Nhà báo Nguyễn Kiểm, báo Quân đội Nhân dân đặt câu hỏi: Hội nghị đặt ra vấn đề, đó là hiện nay bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam còn có sứ mạng đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Vậy, những hỗ trợ của quốc tế đối với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước là gì?

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc đăng cai Hội nghị nhằm truyền tải thương hiệu 'Nhà cung cấp LTTP minh bạch - trách nhiệm - bền vững' của nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, việc đăng cai Hội nghị nhằm truyền tải thương hiệu “Nhà cung cấp LTTP minh bạch - trách nhiệm - bền vững” của nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, là một quốc gia xuất khẩu lớn trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, Việt Nam đã đảm đương trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực cho cả trong và ngoài nước.

“Trong ngoại giao ngành nông nghiệp, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực trong khu vực, trên toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu. Trong 2 vấn đề lớn đó, Việt Nam luôn là thành viên tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm cao”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, Việt Nam luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các đối tác quốc tế. Điển hình như những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm bền vững của các tổ chức châu Âu hay tổ chức quốc tế khác.

Giải đáp thắc mắc của các cơ quan thông tấn, báo chí về vấn đề tác nghiệp tại hội nghị và những sự kiện bên lề, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ, sự kiện sắp tới sẽ có một trung tâm báo chí ngay tại Khách sạn Sheraton. Hiện Ban tổ chức, với đầu mối là Báo Nông nghiệp Việt Nam, đang lên danh sách và sẽ gửi giấy mời đến tận tay các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo ông Thạch, các phiên chính của hội nghị sẽ đều có thông cáo báo chí, đồng thời Ban tổ chức sẽ thiết lập đường truyền ra màn hình và chia sẻ dữ liệu rộng rãi.

Thông tin về Đêm hội Tam Nông, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, đây là chương trình văn hóa nghệ thuật để tôn vinh ngành nông nghiệp, kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Trong chương trình, các nhạc cụ, trang phục… truyền thống, cũng như nét đặc trưng của những quốc gia tham dự sẽ được biểu diễn. Cũng trong không gian này, văn hóa ẩm thực của Việt Nam sẽ được trình diễn, trong đó có giới thiệu và thưởng thức các món ăn truyền thống.

Cùng thế giới vượt qua khủng hoảng lương thực mới

Tại buổi họp báo, Nhà báo Phan Hậu, Báo Thanh niên hỏi: “Việt Nam đã có có một sản phẩm mang tầm quốc tế là gạo ST25. Thông qua hội nghị này, Bộ NN-PTNT đã có định hướng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn của lương thực Việt Nam như thế nào?”

Về thắc mắc này, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, vấn đề lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, vấn đề đó không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà “ăn cũng phải có trách nhiệm”. Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Điều này không chỉ nằm ở xuất khẩu những sản phẩm nổi tiếng như ST25, hay đảm bảo nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu lương thực, tham gia vào cộng đồng có trách nhiệm trên thế giới.

“Rất nhiều tổ chức quốc tế quan tâm đến điều này và đã có nhiều cam kết giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Việc này trước hết giúp ích cho nước ta, sau đó là giúp ích chung cho người dân toàn thế giới”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, thế giới hiện trải qua khủng hoảng lương thực mới. Do đó, Hội nghị này diễn ra nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội nghị toàn cầu lần thứ 4, Ban tổ chức mong muốn liên kết các quốc gia, không chỉ trên lý thuyết mà còn là những cam kết cụ thể bằng hành động.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những sự kiện xung quanh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những sự kiện xung quanh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết được những vấn đề này. Do đó, các quốc gia phải liên kết và có sự hỗ trợ lẫn nhau, trên cả hợp tác đa phương lẫn song phương”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trong dòng chảy ấy, Việt Nam với tư cách là nước đăng cai, kỳ vọng trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng, bởi Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ EU về việc xuất khẩu cà phê nhưng không làm giảm suy thoái rừng.

“Về vấn đề cụ thể là xuất khẩu gạo, Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường gạo, bên cạnh các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi thông qua các cuộc gặp song phương. Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT còn muốn truyền tải thông điệp ‘sẵn sàng’ của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT muốn truyền tải thông điệp ‘sẵn sàng’ của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Phạm Văn Thức.

Bên cạnh công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ NN-PTNT muốn truyền tải thông điệp ‘sẵn sàng’ của Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Phạm Văn Thức.

Cam kết sẽ hỗ trợ và cung cấp mọi thông tin về hội nghị một cách chính xác, như định hướng mà ngành nông nghiệp Việt Nam đã cam kết là “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ đồng hành cùng Bộ NN-PTNT tại các sự kiện chính cũng như bên lề để thông tin của hội nghị được truyền tải kịp thời, chính xác, qua đó góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất