Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng gợi nhắc về chuyến thăm vừa qua đến Trường Cao đẳng nghề Cơ giới và Thủy lợi (thuộc Bộ NN-PTNT) tại Đồng Nai, trong đó có một không gian do Đức tài trợ cho sinh viên thực hành nghề cơ điện với cơ sở vật chất hiện đại và tỉ mỉ. Ngoài ra, tại Đồng Tháp, Trường liên cấp Tương Lai là trường đầu tiên với mô hình đào tạo, giáo dục theo các phương pháp của Đức cũng thu hút nhiều học sinh.
Bộ trưởng mong muốn, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức dành thời gian đến thăm và huy động thêm nguồn lực hỗ trợ hai dự án này.
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth cho rằng những lĩnh vực Bộ NN-PTNT đang phụ trách là chủ đề thú vị để hai bên có thể trao đổi, đặc biệt trong phát triển nông thôn.
Bà cho biết, một số khu vực nông thôn, xa xôi tại Đức chứng kiến tình trạng người dân “thoát ly” đến những thành phố lớn hơn. Do vậy, Chính phủ Bang, Liên bang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút người dân đến sinh sống, phát triển cũng như đầu tư vào đào tạo nghề tại khu vực này. Đại sứ cho biết đào tại nghề cũng là một trong những lĩnh vực Đức quan tâm và bày tỏ quan tâm tới hai dự án được Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu.
Đại sứ đánh giá cao vai trò của Bộ NN-PTNT trong việc điều phối các viện trợ nhằm khắc phục hậu quả của bão Yagi (bão số 3) vừa qua, đồng thời bày tỏ chia sẻ với những thiệt hại do cơn bão gây ra. Đại sứ bày tỏ ấn tượng với công tác chuẩn bị ứng phó tại Việt Nam đã được triển khai cụ thể và nhanh chóng.
Phía Cộng hòa Liên bang Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của Liên hợp quốc. Đức đang tiếp tục tìm hiểu có thể hỗ trợ Việt Nam với những biện pháp khác do thiệt hại của cơn bão quá lớn, công tác khắc phục dự kiến sẽ mất nhiều thời gian. Theo đó, Đại sứ đề nghị Bộ NN-PTNT thông tin thêm để phía Đức có thể tính toán và triển khai hỗ trợ hiệu quả. Đại sứ Helga Margarete Barth đề xuất có thể chuyển đổi các khoản hỗ trợ phát triển để giúp Việt Nam khắc phục với những thiệt hại do bão.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định mọi sự hỗ trợ trong thiên tai đều đáng quý và cần thiết trong tình huống thiên tai.
Gần đây, châu Âu cũng đang trải qua đợt ngập lụt lớn, trong đó Đức cũng là quốc gia chịu nhiều thiên tai. Do đó, trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Đức cử chuyên gia tổ chức diễn đàn cùng Bộ NN-PTNT nhằm chia sẻ cách tiếp cận hoặc giải pháp khoa học công nghệ, hệ thống cảnh báo, dự báo… nhằm tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu rủi ro do thiên tai.
Bộ trưởng cho rằng sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Đức sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu của người dân các vùng rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai các giải pháp theo khẩu hiệu “từ ứng phó sang sang hành động sớm” để giải quyết các vấn đề thiên tai.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn sự đồng hành và hỗ trợ của Đức trong nỗ lực chuyển đổi ngành nông nghiệp xanh của Việt Nam, trong đó có đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, đề nghị phía Đức hỗ trợ về bảo tồn đa dạng sinh học, lĩnh vực lâm nghiệp thích ứng với Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) cũng như vấn đề mở cửa thị trường.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth nhấn mạnh Bộ NN-PTNT là một trong các cái đối tác quan trọng của Đức trong triển khai các dự án hợp tác phát triển. Hai bên đã có nhiều dự án hợp tác thành công tại khu vực ĐBSCL cũng như trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu.
Sau khi thay đổi lĩnh vực hợp tác từ năm 2023, hai bên tiếp tục bắt tay trong các dự án lâm nghiệp, bảo tồn rừng, gìn giữ và bảo vệ khu vực bảo tồn tự nhiên.
Theo Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, trong phiên đàm phán Chính phủ vừa qua, Đức đã cam kết để hỗ trợ Việt Nam 34 triệu Euro trong tổng số 61 triệu Euro kinh phí dành cho hợp tác phát triển. Phía Đức đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm thúc đẩy các thủ tục để hai bên triển khai hợp tác nhanh.
Về vấn đề thị trường nông sản, Đại sứ mong muốn phía Việt Nam sớm cập nhật danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam, tạo điều kiện để thịt lợn Đức được vào thị trường trăm triệu dân.