Hình ảnh nCoV trong phòng phí nghiệm. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết kết quả nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Nhờ đó mỗi ngày Việt Nam có khả năng xét nghiệm được hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.
Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về, gần 500 người tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm.
Kết quả nuôi cấy thành công nCoV là tiền đề cho nghiên cứu và phát triển vaccine phòng chống virus này trong tương lai, cũng giúp đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.
Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.
Các nước đang ráo riết chạy đua để tìm ra vaccine và phác đồ điều trị của bệnh viêm phổi do nCoV, khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Imperial London, Anh, ngày 6/2 công bố có "đột phá" trong nghiên cứu tìm ra vaccine phòng virus Corona. Dự kiến vaccine sẽ được thử nghiệm trên động vật vào đầu tuần sau.
Các nhà khoa học tại Australia, Singapore và Nhật Bản ngày 5/2 cũng thông báo đã nuôi cấy virus Corona chủng mới để nghiên cứu vaccine và phác đồ điều trị.
Tại một bệnh viện ở Bangkok, bác sĩ sử dụng kết hợp thuốc cảm cúm Oseltamivir cùng thuốc kháng HIV Lopinavir và Ritonavir trên 3 bệnh nhân viêm phổi Corona. Cả ba có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Bệnh nhân đầu tiên dương tính với nCoV tại Mỹ xuất viện hôm 3/2 sau khi điều trị thành công bằng thuốc Remdesivir.
Nhóm nghiên cứu tại ba quốc gia Singapore, Australia và Nhật Bản đang tiến hành tái tạo nCoV bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để phục vụ nghiên cứu. Đây hứa hẹn là một công trình có ý nghĩa trong việc điều chế vaccine, thử thuốc và rút ngắn thời gian chẩn bệnh.
Các nhà khoa học sử dụng virus đã được phân tách, nuôi cấy bằng các mẫu bệnh phẩm của người dương tính để tìm ra phương pháp chẩn đoán, theo dõi dấu hiệu biến thể và điều chế thuốc, vaccine. Để thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tiến hành tiêm vaccine cho động vật, tạo ra kháng thể sau đó để chúng nhiễm virus. Nếu các kháng thể này đánh bại mầm bệnh, vaccine được đánh giá là hiệu quả.