| Hotline: 0983.970.780

Điều dưỡng viên trong tâm dịch nCoV: Vượt qua tủi thân, vượt lên kỳ thị

Thứ Sáu 07/02/2020 , 09:05 (GMT+7)

Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 3 điều dưỡng và 1 bác sỹ, họ luân phiên nhau túc trực, chăm sóc, theo dõi sức khỏe của 4 bệnh nhân dương tính với nCoV.

Điều dưỡng viên chuẩn bị phát cơm cho các bệnh nhân dương tính với nCoV vào giờ ăn trưa.

Đến nay, Việt Nam đã xác nhận 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó TP.HCM 3 người, Khánh Hòa 1 người, Thanh Hóa 1 người và Vĩnh Phúc 5 người. Trong đó, có 4 ca dương tính tại Vĩnh Phúc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây cũng là nơi tiếp nhận rất nhiều ca nghi nhiễm để xét nghiệm, sàng lọc và cách ly theo dõi.

Trong bệnh viện, có 3 khoa đã tổ chức cách ly, trong đó khoa cấp cứu do BS Nguyễn Trung Cấp làm trưởng khoa là nơi đón tiếp, sàng lọc, cách ly và điều trị cho các bệnh nhân dương tính với nCoV. Khoa virus - ký sinh trùng và Khoa nội là nơi cách ly các trường hợp nghi ngờ.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, quá trình tiếp nhận và sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm được thực hiện liên tục trong hơn 1 tuần qua, kết quả xét nghiệm sẽ có sau 24h và đến nay bệnh viện mới có 4 trường hợp dương tính.

Qua quá trình cách ly, điều trị các bệnh nhân này đều tiến triển tốt, sức khỏe và tâm lý ổn định. BS Cấp cho biết: “Tính đến ngày 6/2, đã có 2 bệnh nhân có kết quả âm tính với nCoV sau xét nghiệm lần 1. Chúng tôi sẽ làm xét nghiệm lần 2 sau 3 ngày, nếu tiếp tục âm tính có thể cho bệnh nhân xuất viện”.

Để có được kết quả tích cực này, phải kể đến sự hy sinh không nhỏ của các bác sỹ lẫn điều dưỡng viên bệnh viện kể từ khi Việt Nam tuyên bố dịch. Họ thay phiên nhau làm việc 24/7, quyết tâm khống chế nCoV, không để loại virus này lây lan.

Khoa cấp cứu có 19 điều dưỡng viên, chia nhau làm việc ngày 3 ca sáng - chiều - đêm, sau mỗi ca đêm họ được nghỉ 1 ngày. Trong thời gian làm việc, các điều dưỡng có nhiệm vụ đo mạch, nhiệt độ, huyết áp rồi làm thuốc, phát cơm cho các bệnh nhân. Trước khi làm nhiệm vụ, họ phải mặc đồ bảo hộ và thực hiện quá trình khử trùng cả trước và sau khi xong việc.

Các điều dưỡng nhận suất cơm trưa để phân phối cho bệnh nhân ở khu cách ly đặc biệt.

Chia sẻ về công việc của mình những ngày vừa qua, điều dưỡng viên Ngô Đình Tú (1989) cho biết ban đầu có một chút lo lắng nhưng rồi cũng quen và yên tâm chăm sóc bệnh nhân. Khác với nhóm cách ly chờ kết quả thường có tâm lý lo lắng, hoảng loạn, những người dương tính với nCoV lại rất bình tĩnh và hợp tác với bác sỹ, điều dưỡng.

“Các bệnh nhân ở đây đều có tâm lý tốt và rất hợp tác trong quá trình cách ly, điều trị”, Tú chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, vấn đề mà các điều dưỡng gặp phải là bộ trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân. Trong mỗi ca trực, họ phải mặc ít nhất 4 tiếng cùng với việc đeo khẩu trang bảo hộ liên tục gây ra cảm giác bí, nóng và đôi khi gặp khó khăn khi vận động.

Ngoài ra, việc phải vệ sinh, khử trùng thường xuyên khiến da tay nhiều điều dưỡng viên bị ăn mòn. Tuy nhiên, điều khiến họ cảm thấy tủi thân nhất là tâm lý kỳ thị, đề phòng thậm chí xua đuổi của những người xung quanh.
 

Hàng xóm xua đuổi, không cho về nhà

Chị Trần Thị Toàn (1985), phụ trách nhóm điều dưỡng viên tại khoa cấp cứu cho biết, vấn đề lớn nhất là khi từ viện về nhà, tâm lý lo ngại là không thể tránh khỏi. Theo chị, được gia đình hiểu và thông cảm là điều hạnh phúc nhất của các điều dưỡng trong tâm dịch nCoV hiện nay.

Với các điều dưỡng viên trẻ, chưa có gia đình như Nguyễn Thị Dung (1993) thì vấn đề lại là những người bạn. Từ khi có dịch, dù Dung hạn chế ra khỏi viện nhưng vẫn không tránh được tâm lý đề phòng, xa lánh của bạn bè. “Khi nào hết dịch thì chúng mình chơi lại với nhau, bạn bè bảo thế em chỉ thấy chạnh lòng thôi”, Dung chia sẻ.

Nghiêm trọng hơn, một nữ điều dưỡng của khoa còn bị hàng xóm đưa ra những tin đồn thất thiệt nói cô nhiễm nCoV, kèm theo đó là xua đuổi, không cho về nhà phải sống trong viện gần 10 ngày nay, kể từ khi có dịch.

Thuê trọ tại khu vực Văn La, Hà Đông, điều dưỡng viên Bùi Thị Lan Anh (SN 1992) cho biết đã gần 1 tuần cô không dám về nhà vì cứ về đến nơi là bị hàng xóm phản ứng gay gắt, nhất quyết đuổi đi. Từ 31/1 đến nay, Lan Anh phải ăn ở, sinh hoạt ngay trong viện, thậm chí quần áo, đồ đạc ở phòng trọ cũng chẳng kịp lấy đi.

“Tuần trước, em đi làm về thì thấy hàng xóm họp nhau lại, họ nói em làm ở viện, bị nhiễm virus rồi nên không cho ở đây nữa rồi đuổi đi luôn, cũng chẳng kịp mang đồ đạc gì theo”, Lan Anh chia sẻ qua lớp khẩu trang y tế, không dấu được sự nghẹn ngào.

Nữ điều dưỡng Bùi Thị Lan Anh chia sẻ về khó khăn ở cộng đồng sau khi xảy ra dịch nCoV.

Nữ điều dưỡng này cho biết, chủ nhà trọ của cô thì thoải mái nhưng hàng xóm thì truyền tai nhau rằng ‘thấy cô này xuất hiện là phải đuổi ngay vì dương tính với nCoV rồi’.

“Bây giờ chỉ có mình em là điều dưỡng nữ ở hẳn trong viện, cũng muốn ra ngoài nhưng chắc chỉ khi nào Việt Nam công bố kiểm soát và hết dịch thì em mới dám về nhà”, cô gái sinh năm 1992 tâm sự.

Khi được hỏi về suy nghĩ trong thời điểm này, các điều dưỡng viên đều có chung một mong muốn là người dân hiểu rõ được vấn đề, không nghe theo các thông tin sai lệch trên mạng, không nên cho rằng những người chăm sóc bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm nCoV vì ở bệnh viện có quy trình vệ sinh, bảo hộ rất nghiêm ngặt.

Ngoài ra, cả Lan Anh và Dung đều chia sẻ rằng điểm tựa lớn nhất của các cô hiện nay là gia đình và đồng nghiệp. Sự thấu hiểu, thông cảm và động viên từ những người thân nhất, dù chỉ qua điện thoại, internet cũng giúp họ vững vàng hơn trong công việc.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.