| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận thị trường ASEAN

Thứ Hai 24/04/2023 , 11:45 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.

Video: Duy Học.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sự có mặt của ngài Ngài Christian Hofer - Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ đã đến tham dự sự kiện Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – mạng lưới Một Hành tinh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.

Sáng 24/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tiếp song phương Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ, Ngài Christian Hofer đến thăm Việt Nam nhân dịp tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - mạng lưới Một hành tinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, người Việt Nam không phải ai cũng đã được đến Thụy Sỹ, nhưng nhắc tới Thụy Sỹ, mọi người đều hình dung tới một đất nước xinh đẹp với Hiệp định Geneve góp phần gìn giữ hòa bình cho Việt Nam, đó là điều không bao giờ quên. Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng luôn nhớ tới đồng hồ Thụy Sỹ - với một sản phẩm với thương hiệu toàn thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp song phương Ngài Christian Hofer – Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ sáng 24/4. Ảnh: Nhóm PV.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp song phương Ngài Christian Hofer – Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ sáng 24/4. Ảnh: Nhóm PV.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sỹ. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương phát triển tích cực trên các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển, khoa học - công nghệ... Thụy Sỹ hiện là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu.

Sự hiện diện của ngài Bộ trưởng tại sự kiện này cho thấy vai trò của Thụy Sỹ ngày càng quan trọng trên thế giới và đối với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lương thực thực phẩm.

“Với những biến đổi về khí hậu đang diễn ra, những nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu…, tôi nghĩ đã đến lúc hành tinh của chúng ta cần đến những sự kiện như thế này, cùng tạo ra diễn đàn để chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, kêu gọi các quốc gia vì một hành tinh an toàn, phát triển, an ninh lương thực bền vững…

Sự kiện toàn cầu và trách nhiệm chung tay không phân biệt nước lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đông hay ít dân, Đông hay Tây… mà phải có cùng chung trách nhiệm đối với thế giới. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cần tới những không gian mở mang tính toàn cầu, những liên minh, những sự kiênh mang tính toàn cầu như thế này để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển của Việt Nam chúng tôi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đánh giá cao vai trò của Thụy Sỹ trong các hoạt động đảm bảo an ninh lương thực bền vững trên toàn cầu cũng như những hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, và tin tưởng rằng đây cũng là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực tiềm năng là nông nghiệp và thương mại. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Nhóm PV.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Nhóm PV.

Ngài Christian Hofer gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về cuộc gặp song phương. Ông cho biết, 20 năm trước ông đã sang Việt Nam và lần này, ông thực sự bất ngờ trước những thay đổi, phát triển thần kỳ của đất nước Việt Nam.

“Thụy sỹ nổi tiếng với cà phê, Việt Nam là vùng sản xuất cà phê trọng điểm trên thế giới. Thụy Sỹ mong muốn cà phê Việt Nam sẽ là đầu vào cho ngành sản xuất cà phê của chúng tôi, nhất là cà phê nhân”, Bộ trưởng Thụy Sỹ phát biểu và chia sẻ, ông rất vui mừng tham dự sự kiện thương đỉnh lần này để tiếp tục có cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam trong mạng lưới toàn cầu về phát triển lương thực… Ông đánh gia cao khi Việt Nam tham gia vào Ban cố vấn mạng lưới lương thực thực phẩm bền vững.

Tiếp nối chia sẻ của Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang chuyển đổi từ tư duy an ninh lương thực không còn đói đến an ninh lương thực an toàn dinh dưỡng và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân.

“Việt Nam mong muốn được học hỏi thêm các sáng kiến của các quốc gia đi trước. Tôi cũng nhất trí quan điểm, hội nghị này không những tạo ra hệ thống LTTP bền vững mà còn chống thất thoát lãng phí trong việc sử dụng LTTP, sử dụng truyền thông để thay đổi được phương thức canh tác; phương thức sử dụng LTTP trong đời sống người dân.

Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển tích cực, với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt khoảng 806 triệu USD (trong đó xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 triệu USD).

Ngài Christian Hofer - Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ. Ảnh: Nhóm PV.

Ngài Christian Hofer - Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ. Ảnh: Nhóm PV.

Thụy Sỹ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực, chế biến nông sản. Tôi cho rằng hiện còn nhiều dư địa tăng cường hợp tác.

Tôi đề nghị phía Thụy Sỹ tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ các doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chế biến nông sản, chế biến thực phẩm… Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối để Thụy Sỹ tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan. Ảnh: Nhóm PV.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan. Ảnh: Nhóm PV.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới, năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Việt Nam trở thành nguồn cung cho thị trường cà phê thế giới. Đồng thời, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định 6 - 7%/năm. Việt Nam cũng là cửa ngõ cho thị trường Đông Nam Á với 650 triệu dân, với nền kinh tế phát triển rất năng động.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức “Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững - Mạng lưới Một hành tinh” lần này một lần nữa thể hiện rõ trách nhiệm và thương hiệu Nông nghiệp Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Hơn 20 năm qua, hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp duy trì và phát triển tích cực. Chính phủ Thụy Sỹ đã dành cho ngành nông nghiệp Việt Nam (thông qua nhiều chương trình, dự án) triển khai đúng tiến độ, mục tiêu, sử dụng hiệu quả.

“Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021 - 2024” (trị giá 70 triệu franc Thụy Sỹ, gần 76 triệu USD) với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt tăng trưởng bền vững và theo định hướng thị trường và đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn cao tiếp cận với thị trường quốc tế, trước tiên là thị trường Thụy Sỹ.

Đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam 4 nội dung quan trọng

Nhân cuộc tiếp xúc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông vừa tiếp đón đoàn doanh nghiệp Việt kiều ở Thụy Sỹ, các doanh nghiệp này đề nghị thành lập “Trung tâm chứng nhận hữu cơ Việt Nam” để sự giao thương nông sản đến được Thụy Sỹ, từ đó lan tỏa sang các thị trường khác. Dự án hướng tới cung cấp dịch vụ đào tạo, kiểm tra và chứng nhận cho nông dân, nhà sản xuất thực phẩm, xây dựng nhân Bio tại Việt Nam và thúc đẩy thực hành nông nghiệp hữu cơ và bền vững tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ, xúc tiến đẩy mạnh thành lập Trung tâm này.

Ngài Christian Hofer – Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ. Ảnh: Nhóm PV.

Ngài Christian Hofer – Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ. Ảnh: Nhóm PV.

Thứ hai, đề nghị Thụy Sỹ hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng giảm nhẹ biến đổi khí hậu, chống ngập mặn, quản lý tài nguyên nước hiệu quả. ĐBSCL là vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam với sản phẩm lúa gạo. Việt Nam tự tin tham gia thị trường lúa gạo và an ninh lương thực cũng từ vùng sản xuất trọng điểm này. Tuy nhiên, trong những năm qua, vấn đề biến đổi khí hậu đang xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực này.

Thứ ba, đề nghị Thụy Sỹ quan tâm xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn mới đối với hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, tiếp cận với thị trường quốc tế, xây dựng phát triển chuỗi ngành hàng. Trong đó, có trung tâm chứng nhận nông sản hữu cơ Việt Nam.

Thứ tư, hỗ trợ cách tiếp cận liên kết chuỗi giá trị nông sản, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức doanh nghiệp tư, cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân nhằm đưa được các thương hiệu nông sản đặc sản của Việt Nam ra thế giới. Tăng cường kết nối doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp Thụy Sỹ trong lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam.

Bộ trưởng Thụy Sỹ tiếp nhận các đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và cho biết, những nội dung mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến là rất quan trọng, đặc biệt là các yêu cầu về nền nông nghiệp bền vững không chỉ sản xuất đủ về số lượng mà còn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng. Việc thành lập trung tâm chứng nhận hữu cơ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông sản có chất lượng từ đó tăng cường sự giao thương.

"Đối với những đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng là sự phù hợp với định hướng phát triển của Thụy Sỹ. Thụy Sỹ có nhiều dự án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Một khi Việt Nam đảm bảo được an ninh đầu tư, các nhà đầu tư sẽ tự tin, tin tưởng vào đầu tư tại Việt Nam, thúc đẩy cho sự phát triển của nền nông nghiệp của hai bên.

Chúng tôi tin rằng sự hợp tác của 2 quốc gia là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp có lợi nhất. Sự hợp tác này là hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, không phải là sự cạnh tranh của hai nền nông nghiệp”, Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sỹ cho biết.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.