| Hotline: 0983.970.780

Vai trò tích cực của Việt Nam được định vị

Chủ Nhật 23/04/2023 , 06:10 (GMT+7)

Tại Hội nghị toàn cầu lần này, Việt Nam có cơ hội chia sẻ rộng rãi về những nỗ lực, kết quả và quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP, theo TS Trần Công Thắng.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi hệ thống LTTP. Ảnh: Bảo Thắng.

Là một nước sản xuất lương thực lớn, Việt Nam có vai trò, vị trí như thế nào trong việc đảm bảo hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững của thế giới?

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Dù bị tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và các biến động trên thị trường thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 3,36% năm 2022, cao nhất trong những năm gần đây.

Việt Nam có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo hệ thống LTTP bền vững của thế giới. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với kim ngạch năm 2022 đạt 53,22 tỉ USD cùng thị trường xuất khẩu đa dạng. Vì vậy, các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiêu dùng của các nước, mức độ an ninh lương thực.

Do đó, nếu tự đảm bảo được sự bền vững trong hệ thống LTTP, Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống LTTP toàn cầu. Trong quá trình hội nhập sâu rộng, khi nông sản Việt ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, hàng hóa vào trực tiếp tại các kệ siêu thị trên thế giới, sức tác động ấy càng trở nên mạnh mẽ hơn. 

Trong nhiều giai đoạn khủng hoảng, việc đảm bảo cung cấp LTTP với số lượng, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm cho thế giới càng thể hệ rõ vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Nhờ việc cung cấp LTTP cho thế giới, Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội trong khu vực và cả ở mức độ toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng  trong công cuộc hỗ trợ các quốc gia đạt được những mục tiêu về dinh dưỡng, sức khỏe, kinh tế, xã hội, giúp họ tiến nhanh hơn tới việc hoàn thành những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đề ra.

Đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hiện vẫn là một thách thức tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Bảo Thắng.

Đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hiện vẫn là một thách thức tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Bảo Thắng.

Có vai trò quan trọng trên phạm vi toàn cầu và khu vực, Việt Năm còn vấp phải những thử thách nào để đạt được sự bền vững của hệ thống LTTP?

Hệ thống LTTP bền vững là một hệ thống đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm và dinh dưỡng cho tất cả mọi người mà không ảnh hưởng tới các cơ sở kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, tạo ra an ninh lương thực, thực phẩm và dinh dưỡng cho các thế hệ tương lai. Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống  LTTP bền vững thường gồm những đặc điểm: Mang lại lợi nhuận liên tục (bền vững về kinh tế); Mang lại lợi ích trên diện rộng (bền vững về xã hội); Mang lại tác động tích cực hoặc không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên (bền vững về môi trường).

Trong thời gian qua, chúng ta đã chuyển dịch theo hướng xây dựng, phát triển hệ thống LTTP bền vững. Việt Nam dần trở thành thành viên tích cực trên toàn cầu về nội dung này, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm vào cải thiện chế độ ăn lành mạnh, bền vững, cũng như an ninh lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng khu vực và thế giới, thông qua việc huy động sự tham gia của tất cả tác tác nhân, dựa trên cách tiếp cận toàn cầu, cũng như sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Một cách thẳng thắn, để đạt được sự bền vững đó thì chúng ta cũng còn những khoảng cách nhất định. Tuy các thành tựu về sản xuất nông nghiệp là đáng tự hào, nhưng các mục tiêu về dinh dưỡng mới chỉ đạt ở mức khiêm tốn. Chế độ ăn uống lành mạnh chưa hoàn toàn nằm trong khả năng của kinh tế nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, hoặc ở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bất bình đẳng trong tiếp cận tư liệu sản xuất, nguồn lương thực, thực phẩm sạch trong hệ thống LTTP vẫn là thách thức lớn.

Cũng không thể không nhắc đến các yếu tố khách quan. Hiện thị trường LTTP trong nước và xuất khẩu quốc tế đang tiềm ẩn những bất ổn khó lường do kinh tế toàn cầu ảm đạm, cùng những biểu hiện giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại. Hệ thống LTTP tương lai có nguy cơ kém bền vững, nhạy cảm hơn với các cú sốc kinh tế, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, biến đổi khí hậu và sử dụng tranh chấp tài nguyên nước.

Thông qua những sự kiện như Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống LTTP bền vững sẽ giúp ích như nào cho Việt Nam, cả về nâng cao hình ảnh, vị thế, lẫn hoạch định chiến lược trong tương lai?

Hội nghị thượng đỉnh cấp Bộ trưởng sắp tới có sự tham gia của nhiều trưởng ngành cấp quốc gia, các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc, với việc rà soát, đánh giá lần đầu tiên được thực hiện vào quý III/2023.

Là nước đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ tư, Việt Nam sẽ có cơ hội chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về những nỗ lực, kết quả và quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP của Việt Nam.

Sự kiện một lần nữa định vị vai trò tích cực của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống LTTP, đóng góp hiệu quả vào công việc hỗ trợ người dân đạt được chế độ ăn uống lành mạnh, bền vững, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng khẳng định việc thực hiện các cam kết và đóng góp của Việt Nam vào xây dựng hệ thống LTTP bền vững toàn cầu. Đó như một sự tiếp nối các hành động của Việt Nam trong quá khứ, như cam kết và không hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian đại dịch Covid-19, hay cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất