| Hotline: 0983.970.780

Vinh danh 43 sản phẩm OCOP năm 2023 trên địa bàn TP.HCM

Chủ Nhật 30/06/2024 , 21:53 (GMT+7)

TP.HCM Tối 30/6, UBND TP.HCM tổ chức Lễ công bố và trao quyết định công nhận 43 sản phẩm OCOP, thuộc 6 chủ thể năm 2023, nâng tổng số lên 191 sản phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, với thế mạnh của thành phố, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2020.

Đến cuối năm 2021, TP.HCM đánh giá, quyết định phân hạng sản phẩm OCOP đối với 28 sản phẩm, trong đó, 27 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.

Với những kết quả đạt được ban đầu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm, thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2019 - 2020. Trong đó, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình trên phạm vi toàn thành phố. Đồng thời, mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng (đứng thứ 2 từ trái qua) và Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc (đứng giữa) trao chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 cho 6 chủ thể. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng (đứng thứ 2 từ trái qua) và Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc (đứng giữa) trao chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 cho 6 chủ thể. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, năm 2023, TP.HCM đã đánh giá, công nhận 43 sản phẩm OCOP thuộc 6 chủ thể gồm: Công ty TNHH Đạt Butter (huyện Củ Chi); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ và Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Lộc Thọ (huyện Bình Chánh); Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Nam (huyện Nhà Bè), Công ty TNHH ĐTTMDV Yến Đảo Cần Giờ và Hộ kinh doanh Yến sào Khánh Đan (huyện Cần Giờ).

Từ đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận trên địa bàn TP.HCM lên 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể. Trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Là một trong sáu đơn vị được công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 với 3 sản phẩm OCOP 4 sao, Công ty TNHH Đạt Food nâng tổng số 7 sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Trần Đăng Đạt, Nhà sáng lập Đạt Food cho biết, xuất phát từ mong muốn có những sản phẩm đa dạng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, mang lại lợi ích kinh tế cho chính những người nông dân, cũng như tạo ra tác động tốt cho môi trường, xã hội, Đạt Food đã không ngừng nghiên cứu và phát triển, tạo một mô hình kinh doanh bền vững.

Theo bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH ĐTTMDV Yến Đảo Cần Giờ (huyện Cần Giờ), với việc đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sẽ giúp thương hiệu yến đảo Cần Giờ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nâng tầm thương hiệu yến đảo Cần Giờ, góp phần quảng bá tiềm năng, lợi thế của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.

Hiện TP.HCM đã có 191 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện TP.HCM đã có 191 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công ty TNHH ABZ (huyện Bình Chánh) được công nhận 1 sản phẩm OCOP 4 sao là sâm đinh năng, có công thức, quy trình ngâm ủ sâm đinh lăng cùng các loại thảo dược bí truyền độc đáo đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, ATTP với bao bì nhãn mác truyền thống nhưng không kém phần sang trọng. "Nổi bật của sản phẩm là kết hợp đinh lăng loại lá nhuyễn - 1 loại dược chất thơm ngâm ủ theo phương pháp truyền thống, kết hợp với các loại thảo dược khác để cho ra sản phẩm tốt cho sức khỏe", ông Trần Thanh Oanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm ABZ chia sẻ.

Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt, sự chủ động, tích cực hưởng ứng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình OCOP để tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP TP.HCM.

Theo ông Hiệp, để chương trình OCOP ngày một phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển chương trình của các sở, ngành liên quan.

Dịp này đã diễn ra lễ ký kết mang tính hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các hệ thống phân phối sản phẩm với các chủ thể OCOP. 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện Chương trình này. Việc triển khai chương trình này có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Từ hiệu quả triển khai của các nước trên thế giới, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu: Phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung: “Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP”.

Ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của chương trình OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.