| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 23/12/2022 , 12:24 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 12:24 - 23/12/2022

Vinh danh tình yêu cây lúa thời biến đổi khí hậu

Tình yêu cây lúa được vinh danh ở giải thưởng VinFuture 2022, với giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của Mỹ đã nghiên cứu giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu.

Tình yêu cây lúa đã giúp giáo sư Pamela C. Ronald (Đại học California, Davis, Mỹ) được trao giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ, với số tiền thưởng 500.000 USD. Tình yêu cây lúa của bà thể hiện qua trình nghiên cứu phân lập gene Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn. 

Ban tổ chức Giải thưởng VinFuture 2022 đánh giá: Từ gene lúa Sub1, giáo sư Pamela C. Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gene sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao. Nhờ tình yêu cây lúa của nhà khoa học nữ, nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ được đảm bảo ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ trao tặng giải thưởng VinFuture 2022, giáo sư Pamela C. Ronald cho rằng: “Với giống lúa kháng chịu biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi nhìn thấy cơ hội no ấm cho nhiều người đang sống trong đói nghèo. Tôi mong muốn truyền cảm hứng về phát triển nông nghiệp bền vững, để từ khóa này trở nên hấp dẫn hơn với giới trẻ thông qua những nỗ lực nhằm làm cho nông nghiệp trở nên hấp dẫn hơn, với sự tham gia của các công nghệ mới”.

Sự vinh danh dành cho giáo sư Pamela C. Ronald, hoàn toàn xứng đáng. Bởi lẽ, bà đã tranh thủ được điều kiện rất thuận lợi về nghiên cứu khoa học ở Mỹ, để có công trình đột phá về giống lúa chịu ngập nước. Còn ở Việt Nam, một quốc gia có nền văn minh lúa nước, tình yêu cây lúa của những nhà khoa học đã được đề cao đúng mức chưa?

Việt Nam không chỉ đảm bảo lương thực trong nước mà còn đi đầu xuất khẩu lúa gạo. Nhiều công trình khoa học đã góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân và nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng. Vậy thì tại sao không có giải thưởng tầm cỡ như VinFuture cho tình yêu cây lúa của người Việt Nam?

Quan sát thật khách quan và thật thấu đáo, không khó để nhận ra, diện tích đất lúa ở Việt Nam đang giảm dần nhưng các giống lúa được cải tạo thích nghi với chuyển động thời tiết thất thường và quy trình canh tác đa dạng đã cho Việt Nam một trữ lượng lúa gạo dồi dào. Việt Nam tự hào có giống gạo thơm đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới như ST25.   

Chỉ riêng tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, công nghệ sinh học đã được ứng dụng cho việc chọn tạo giống mới, mà phổ biến nhất là phương pháp lai tạo. Nhiều thành tựu của công nghệ hiện đại như kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật nuôi cấy túi phấn, công nghệ chỉnh sửa gene... đã được ứng dụng để chọn tạo thành công nhiều giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng khả năng chống chịu ngập, mặn, hạn kéo dài.

Câu hỏi đặt ra, cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam có thua kém quá xa so với giáo sư Pamela C. Ronald không? Chắc chắn không. Tiếc thay, không ai nghĩ đến giải thưởng VinFuture dành cho họ. Dù lấn cấn “Bụt nhà không thiêng” hay “nhịn miệng đãi khách”, thì vẫn thấy cần có thái độ bao quát hơn trong sự vinh danh tình yêu cây lúa thời biến đổi khí hậu.