Sáng 28/8, tại TP Vĩnh Long, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long: Các loại hình thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại đến tỉnh Vĩnh Long là giông, lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường, hạn và xâm nhập mặn. Năm 2019, thiên tai đã làm 3 người bị thương, sập và tốc mái 237 căn nhà, trên 65ha cây trồng bị đổ ngã... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước trên 37 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm bị thương 2 người, sập và tốc mái 185 căn nhà, trên 1.800 ha lúa bị thiệt hại, sạt lở xảy ra tại 78 điểm… Riêng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trên 2.200 ha cây trồng. Ước tổng thiệt hại trên 314 tỷ đồng.
Để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của địa phương, hàng năm, Vĩnh Long đều xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả. Nhất là công tác diễn tập, phòng chống thiên tai các cấp sát với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, từ năm 2016-2019, toàn tỉnh đã có 40 cuộc diễn tập với hơn 7.000 người tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức 40 lớp tập huấn cho hơn 4.000 lượt cán bộ phụ trách công tác phòng chống thiên tai các cấp…
Tuy nhiên, Vĩnh Long cũng còn một số khó khăn trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh một số vấn đề như công tác đào tạo nguồn nhân lực vận hành và bảo vệ các công trình thủy lợi, phát triển khoa học công nghệ phòng chống thiên tai; kinh phí tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai; kinh phí ổn định dân cư vùng sạt lở…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả của tỉnh Vĩnh Long. Nhất là công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện bám sát các nội dung đã xây dựng; sự chủ động trong xây dựng các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai; thực hiện quán triệt phương châm 4 tại chỗ; công tác tái định cư và hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng bị thiên tai; xã hội hóa tốt các quỹ an sinh; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống thiên tai qua các phương tiện thông tin đại chúng, zalo, facebook.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng lưu ý địa phương cần quan tâm đầu tư các trang bị thiết bị dự báo, phục vụ phòng chống thiên tai được đồng bộ hơn như thay thế các thiết bị quan trắc thủy văn đã cũ kỹ. Tỉnh cũng cần dành một quỹ đất quy hoạch hỗ trợ người dân vì tỉnh có nhiều kênh rạch, đối tượng di dời cũng nhiều.
Bên cạnh đó, Vĩnh Long tiếp tục hoàn thiện, kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai tốt hơn. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực vận hành các công trình thủy lợi phòng chống thiên tai. Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Phối hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó chú ý đến giải pháp xây dựng kè sinh thái. Đây là giải pháp phát huy nội lực phòng chống thiên tai trong nhân dân…
Trước đó, chiều ngày 27/8, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã có buổi khảo sát tại cống kiểm soát mặn, trữ ngọt Vũng Liêm. Ông Lê Tấn Dũng cho rằng đây là một trong các công trình phòng chống thiên lớn nhất tại ĐBSCL đến thời điểm hiện tại đã giúp hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh bước đầu thành công trong công tác kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân trong đợt hạn, mặn vừa qua.