| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc quyết liệt phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Hai 16/12/2019 , 09:50 (GMT+7)

Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 23 xuất hiện dịch dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), ổ dịch đầu tiên ghi nhận vào ngày 27/3/2019.

11-00-39_nh_1
Nhiều đàn lợn khỏe mạnh tại các trại đảm bảo an toàn dịch bệnh vượt qua bão dịch.

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, DTLCP trên địa bàn tỉnh đã giảm, nhiều địa phương đã qua 30 ngày không có dịch và công bố hết dịch.

Ngay từ khi có thông tin về nguy cơ DTLCP có khả năng lây nhiễm vào nước ta, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh và địa bàn tỉnh.

Tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ lợn, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; thực hiện việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh đối với các đàn lợn ốm, chết, để có biện pháp xử lý kịp thời; thành lập BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh và thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành cấp tỉnh tại các đầu mối giao thông ra vào địa bàn tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 23 xuất hiện dịch DTLCP, ổ dịch đầu tiên ghi nhận vào ngày 27/3/2019. Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện DTLCP, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, thực hiện ngay việc phun khử trùng tiêu độc tại các địa phương thuộc vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Đặc biệt, tại khu vực xảy ra dịch phải kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn chưa được kiểm dịch. Cùng đó, tỉnh đã tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp để phòng, chống và hạn chế tối đa thiệt hại từ dịch gây ra.

Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện vô cùng hiệu quả, người chăn nuôi nhanh chóng nhận thấy được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp theo như hướng dẫn: tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi thường xuyên và liên tục hơn; hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển, người lạ ra vào chuồng, trại; vệ sinh cơ thể, khử trùng quần áo trước khi vào cho ăn và chăm sóc lợn,…

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nhờ đó mà tới nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy hàng ngày, ngày càng giảm dần (bình quân số lợn tiêu hủy hiện nay khoảng 10 con/ngày).

Chị Hương, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Lô cũng cho biết: ngày 16/5/2019 huyện ghi nhận ổ dịch đầu tiên. Tổng số lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP trên địa bàn huyện đến ngày 15/12 là 1.079 con, chiếm 1,49% tổng đàn lợn của huyện.

Dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm, số lượng lợn mắc bệnh ốm, chết phải tiêu hủy hàng ngày, ngày càng giảm dần.

Để đạt được điều đó, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh. Từ đó, người chăn nuôi có ý thức cao hơn trong công tác, phòng chống dịch. Cùng đó, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo bà con nên tăng cường cho lợn ăn bổ sung các vitamin, khoáng chất và các loại thảo dược để tăng cường sức đề kháng giúp lợn tăng cường khả năng kháng bệnh.

Ông Công thông tin: Dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng giảm nhưng tỉnh vẫn khuyến cáo các địa phương tiếp tục thực hiện các biện phòng, chống không được chủ quan trước DTLCP. Nguy cơ tái phát rất cao do thời tiết hiện nay ảnh hưởng tới sức khỏe đàn vật nuôi; mầm bệnh đã xuất hiện, tồn tại ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Hơn nữa, bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị, đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát; mầm bệnh có sức đề kháng rất cao với môi trường. Chỉ tái đàn ở những vùng công bố hết dịch và ở cơ sở đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Công cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động triển khai tổng hợp các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP, trong đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến ngay các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học, các mô hình chăn nuôi lợn không mắc bệnh...

Ngoài ra, đến nay tỉnh đã hỗ trợ được 86% kinh phí cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP, công tác hỗ trợ được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định và sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP chưa được hỗ trợ.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.