| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Thuận biến giấc mơ nông thôn mới thành hiện thực

Thứ Tư 01/07/2020 , 07:01 (GMT+7)

Giấc mơ tiến lên huyện NTM của người dân Vĩnh Thuận đang dần trở thành hiện thực, khi có 7/7 xã đạt chuẩn và đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Đoàn viên, thanh niên huyện Vĩnh Thuận xem triển lãm thành tựu kinh tế xã hội, kết quả xây dựng nông thôn mới, trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Ảnh: Trung Chánh.

Đoàn viên, thanh niên huyện Vĩnh Thuận xem triển lãm thành tựu kinh tế xã hội, kết quả xây dựng nông thôn mới, trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII. Ảnh: Trung Chánh.

Đi lên từ xuất phát điểm thấp

Ông Trịnh Tài Mon, Phó Trưởng phòng NN- PTNT huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, huyện bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2012, với 7 xã và 1 thị trấn.

Khi bắt tay vào triển khai, Vĩnh Thuận là huyện có xuất phát điểm thấp nhưng đạt được kết quả như ngày hôm nay là điều rất đáng tự hào.

Giai đoạn 2012-2015, xã Vĩnh Phong được chọn là xã điểm của tỉnh và đến cuối năm 2015 trở thành xã NTM đầu tiên của huyện Vĩnh Thuận. Giai đoạn 2016 - 2020, Vĩnh Thuận được chọn là huyện điểm xây dựng NTM của tỉnh.

Sau quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, đến đầu năm 2020, Vĩnh Thuận đã có 7/7 xã (đạt 100% số xã) đạt chuẩn NTM. Hiện huyện đang thực hiện đề án xây dựng huyện NTM và đã đạt 9/9 tiêu chí của huyện NTM. Vĩnh Thuận đang làm hồ sơ chờ tỉnh, trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, khẳng định: “Công cuộc xây dựng NTM là không có điểm dừng. Sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng các xã NTM và huyện NTM, cần tiếp tục nâng cao các tiêu chí, xây dựng xã NTM kiểu mẫu, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập cho bà con nông dân”.

Theo ông Mon, trong quá trình xây dựng NTM, vấn đề người dân tâm đắc nhất chính là Vĩnh Thuận đã đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nhanh số hộ nghèo.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ, tự hào: “Xây dựng NTM được huyện tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao.

Huyện huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM, với gần 350 tỷ đồng. Đến nay, đã có 7/7 xã đạt chuẩn NTM, thị trấn Vĩnh Thuận đạt 34/52 tiêu chí đô thị loại IV và huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM”.

Vĩnh Thuận cũng huy động tốt các nguồn vốn đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trụ sở làm việc. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản hàng năm đạt trên 95%.

Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2020 – 2025, toàn huyện Vĩnh Thuận sẽ có ít nhất một xã NTM kiểu mẫu và một xã NTM nâng cao.

Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tạo đòn bẩy

Ông Huỳnh Tấn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế.

Cụ thể, huyện đã chuyển khoảng 5 ngàn ha đất làm lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi tôm - lúa mang lại hiệu quả rất cao.

Riêng nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, huyện Vĩnh Thuận đã đạt sản lượng khoảng 6 ngàn tấn tôm thương phẩm/năm.

Ngoài ra, huyện còn đầu tư khai thác, đưa vào sử dụng khoảng 7 ngàn ha đất hoang hóa, đưa vào sản xuất, mang lại nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân.

Dưa hoàng kim, sản phẩm trồng xen canh trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Vĩnh Thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Dưa hoàng kim, sản phẩm trồng xen canh trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Vĩnh Thuận. Ảnh: Trung Chánh.

“Nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận đã có bước chuyển biến tích cực, thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cơ giới hóa hầu hết các khâu sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với từng vùng. Mô hình nuôi tôm – lúa, rau màu tiếp tục mang lại hiệu quả cao”, ông Phi đánh giá.

Xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đã xây dựng được 5 điểm cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.950 ha. Tổng sản lượng lúa hàng năm của huyện đạt trên 589 ngàn tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 78%.

Toàn huyện có 550 ha rau màu, năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác là gần 120 triệu đồng/ha. Huyện đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, toàn huyện có trên 28 ngàn ha nuôi tôm và các loài thủy sản khác. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch là trên 127 ngàn tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi gần 68 ngàn tấn, tăng hơn 27 ngàn tấn.  

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, giá trị sản xuất chiếm hơn 67% tỷ trọng ngành nông nghiệp, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như tôm - cua, tôm - lúa, tôm xen canh (gồm tôm sú, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng).

Các mô hình chuyển đổi, mở rộng diện tích đất nuôi tôm và các loại thủy sản theo quy hoạch, xây dựng cơ bản hoàn thành khu nuôi tôm công nghiệp kinh Hai Hãng - Vĩnh Phong.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao ngành nông nghiệp Vĩnh Thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao ngành nông nghiệp Vĩnh Thuận. Ảnh: Trung Chánh.

Tập trung đầu tư phát triển thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại hình nuôi, phù hợp với hệ sinh thái và đặc điểm tự nhiên từng tiểu vùng, gắn với ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, mang tính bền vững, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Vận động nhân dân duy trì, thực hiện và phát triển có hiệu quả mô hình tôm - lúa, mô hình kết hợp tôm, cua, cá và các loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao. Thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của bà con.

Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo vệ sinh an toàn hàng hóa, phối hợp thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế

Bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng 75/76 tuyến đường, với chiều dài hơn 136 km và xây mới 30 cây cầu với chiều dài 820 m, tổng vốn đầu tư là 186 tỷ đồng.

Toàn huyện có 100% tuyến đường từ huyện về xã, xã về ấp, khu phố được nhựa hóa và bê tông hóa. Tạo bước đột phá bằng cách huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại, gắn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh.

Huyện Vĩnh Thuận đã tạo bước đột phá bằng cách huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện Vĩnh Thuận đã tạo bước đột phá bằng cách huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại. Ảnh: Trung Chánh.

Đã nạo vét 93 tuyến kênh thủy lợi nội đồng, với chiều dài 325 km và 46 cống điều tiết nước, với tổng vốn gần 68 tỷ đồng. Xây dựng trên 19 km đường điện trung thế, 32 km đường hạ thế, nâng tổng số hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,8%. Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó sử dụng nước sạch chiếm 25%.

Đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại ấp Bời Lời B, xã Bình Minh, xây dựng 210 lò đốt rác tự chế, làm gần 14.500 hố đốt rác hộ gia đình và 172 điểm chứa bỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

Hiện có 100% cơ sở, doanh nghiệp được cấp giấy phép, cam kết bảo vệ môi trường. Nâng tỷ lệ độ che phủ cây xanh phân tán đạt 33,6% diện tích toàn huyện.

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường được chú trọng, nhất là bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tăng cường các biện pháp ngăn chặn xử lý ô nhiễm nguồn nước, chất thải.

Giai đoạn 2020 - 2025, huyện Vĩnh Thuận tập trung khai thác, phát huy tốt tiềm năng lợi thế, nhất là lợi thế về nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng thu nhập và phát triển bền vững.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, thị trấn Vĩnh Thuận đạt đô thị loại IV, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của huyện.

Mục tiêu phấn đấu xây dựng từ 2 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 1 xã kiểu mẫu. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí xã, huyện NTM.

Tập trung giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động, đào tạo nghề cho 240 người/năm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là đạt 47,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1%/năm trở lên, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, huyện Vĩnh Thuận đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân được mở rộng cả quy mô và số lượng. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã được tập trung chỉ đạo, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Các xã, thị trấn đều có hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo hình thức liên kết ở các khâu theo chuỗi giá trị, gia tăng thu nhập cho các thành viên.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.