| Hotline: 0983.970.780

Virus Nipah bí ẩn đang gieo rắc nỗi sợ hãi mới

Thứ Hai 13/09/2021 , 09:41 (GMT+7)

Virus Nipah vừa gây ra cái chết của bé trai 12 tuổi người Ấn Độ với các triệu chứng sốt cao và viêm phù não. Thủ phạm truyền bệnh được cho là lợn và dơi.

Bí ẩn và đáng lo ngại

Giới chức Ấn Độ phong tỏa khu dân cư, nơi phát hiện ca nhiễm virus Nipah tử vong hôm 5/9 tại bang Kerala. Ảnh: C. K Thanseer

Giới chức Ấn Độ phong tỏa khu dân cư, nơi phát hiện ca nhiễm virus Nipah tử vong hôm 5/9 tại bang Kerala. Ảnh: C. K Thanseer

Hiện giới chuyên gia đang hết sức lo ngại bởi loại virus chết người này đã bất ngờ tái xuất và trở thành một lo sợ mới, không chỉ ở Ấn Độ mà toàn bộ hành tinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có lời giải.

“Một khi ai đó bị nhiễm, virus Nipah sẽ tìm cách khu trú ở trong một môi trường chọn lọc để thích nghi và tìm cách lây truyền. Nguy cơ biến chủng mới của virus Nipah ở người nhiễm bệnh tương đối cao và có thể tạo ra những làn sóng bùng phát kinh hoàng. Bằng chứng là kể từ khi xuất hiện ở châu Á vào năm 2019, có tới 70% số người bị nhiễm virus Nipah tử vong. Đó là lý do khẳng định nó có thể đại diện cho một đại dịch tồi tệ nhất mà nhân loại đang phải đối mặt", ông Luby cho biết.

Tiến sĩ Stephen Luby, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford (Mỹ) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp virus Nipah vào diện "đáng lo ngại" trong danh mục các dịch bệnh tương lai vì mầm bệnh chính là "những ổ chứa động vật" trong tự nhiên, rất dễ lây lan. Và khi con người bị nhiễm bệnh, loại virus bí hiểm này có thể lây lan từ người sang người.

Tuy nhiên, theo ông Luby, những nghiên cứu ban đầu về cơ chế lây truyền của virus Nipah không giống như một số loại virus khác. Đôi khi có những ca nhiễm siêu lây lan, truyền bệnh cho rất nhiều người. Nhưng tốc độ lây truyền trung bình của virus Nipah là xấp xỉ một người trên một ca nhiễm.

Sau cái chết của bé trai ở bang Kerala hôm 5/9, các cơ quan y tế công cộng địa phương đã vào cuộc truy vết và cách ly những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân. Đến nay giới chức đã xác định và cách ly 251 người, trong đó có 30 người là thân nhân trong gia đình nạn nhân. Mười một mẫu bệnh phẩm từ những người có quan hệ gần gũi với bé trai cũng đã được gửi đi xét nghiệm và kết quả ban đầu đều âm tính. Tuy nhiên hiện điều đang gây đau đầu nhất đối với giới khoa học là chưa thể xác định được vì sao mà đứa trẻ 12 tuổi lại nhiễm virus Nipah.

Tiến sĩ Thekkumkara Surendran Anish, phó giáo sư y học cộng đồng tại Trường Đại học Y Thiruvananthapuram nói: “Thực sự rất khó để xác định nguyên nhân gây ra bệnh tình của cậu bé. Bệnh nhân nhập viện khi đã hôn mê sâu nên không thể cung cấp cho chúng tôi bất cứ điều gì về những gì bé đã ăn vào hoặc tiếp xúc. Đó là lý do tại sao tất cả đều chỉ là suy đoán".

Trong hai dòng virus Nipah đã gặp cho đến nay, một xuất hiện ở Malaysia vào năm 1999 và sau đó là tại Bangladesh, các nhà khoa học cũng chỉ cho rằng lợn và dơi ăn quả là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Ông Anish cho biết, một giả thuyết có vẻ hợp lý là bệnh nhân (ở Kerala) đã ăn thức ăn hoặc trái cây bị nhiễm nước dãi hoặc phân của dơi nhưng đây mới chỉ là suy đoán thuần túy và không có bằng chứng khoa học.

Hiện có một vấn đề phát sinh, đáng lo ngại khác là trong khi giới khoa học còn chưa biết rõ ngọn ngành của virus Nipah, thì báo chí và dư luận địa phương đã “nhanh nhảu” loang tin rằng “bé trai nhiễm virus Nipah do đã ăn phải trái chôm chôm” - một loại trái cây nhiệt đới có gai dày màu đỏ mọc xung quanh nhà, khiến cho loại trái cây này bị ế ẩm.

Tuy nhiên theo giáo sư Luby: “Bước đầu chúng tôi đã nắm bắt được cơ chế lây truyền của virus Nipah di chuyển từ dơi ăn quả sang người. Các nghiên cứu cho thấy, bầy dơi thường bị thu hút bởi nhựa của cây chà là tiết ra sau khi người dân thu hoạch vào mùa đông. Do đó khi con người ăn uống phải các sản phẩm từ cây chà là đã bị dơi bám vào họ đều có nguy cơ mắc virus Nipah".

Tổ chức Y tế Thế giới trước đó đã từng cảnh báo tại Ấn Độ và Bangladesh, thức uống từ cây chà là chưa qua chế biến chính là "ổ dịch nguồn", có thể làm bùng phát dịch bệnh ở người.

Tỷ lệ chết rất cao

Theo các chuyên gia, mặc dù người nhiễm mới được phát hiện kịp thời có thể phục hồi, tuy nhiên đây là loại virus có tỷ lệ tử vong cao.

Dơi ăn quả được coi là thủ phạm trung gian lây truyền virus Nipah. Ảnh: Getty

Dơi ăn quả được coi là thủ phạm trung gian lây truyền virus Nipah. Ảnh: Getty

Vào năm 2018, khi virus Nipah xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, chỉ có hai trong số 19 bệnh nhân sống sót. Tiếp đến, khi nó được phát hiện lần nữa vào năm 2019 trên một nam thanh niên 23 tuổi, ngay lập tức bệnh nhân được cách ly và điều trị sớm và đã sống sót.

Ông Anish nói: “Với virus Corona (COVID-19), đa số mọi người đều nhiễm bệnh trước khi xuất hiện các triệu chứng. Nhưng đó không phải là trường hợp của virus Nipah là khi các triệu chứng xuất hiện, người bệnh đã phát tán virus sang cộng đồng. Chính vì vậy ở những khu vực dễ bị nhiễm virus Nipah, nhất là châu Á, việc nhận thức được điều này sẽ có thể hữu ích”.

Trông chờ vào vacxin

Với tất cả những mối quan tâm về virus Nipah, hiện các nỗ lực phát triển ra một loại vacxin hữu hiệu vẫn đang được tiến hành. Ông Luby cho biết, hiện đã có một số ứng cử viên vacxin virus Nipah có tiềm năng đã chứng tỏ hiệu quả cao trên động vật. Ngoài ra, Liên minh quốc tế về Chuẩn bị sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI), cũng đang hỗ trợ các thử nghiệm trên người với nhiều loại vacxin mới.

Trong một thử nghiệm mới trên khỉ châu Phi, vacxin đa năng ChAdOx1 đã chứng tỏ được hiệu quả khi được điều chỉnh để chống lại virus Nipah. Ngoài ra trong khi chờ đợi vacxin vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, một loại thuốc chưa được cấp bằng sáng chế có tên M 102.4 do hãng dược phẩm Christopher C. Broder phát triển cũng có nhiều tín hiệu lạc quan.

Trong đợt bùng phát năm 2018 ở Ấn Độ, thuốc M 102.4 đã được chuyển đến từ Úc để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp mặc dù vào thời điểm đó, nó chưa được thử nghiệm trên người. Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên người đã cho thấy loại thuốc này có thể vô hiệu hóa được virus Nipah.

Dự đoán về khả năng lây lan diện rộng của virus Nipah, các chuyên gia cho rằng, bang Kerala hay Ấn Độ không phải là điểm nóng duy nhất nên các nơi khác không thể lơ là.

Khoảng 1 triệu con lợn ở Malaysia đã buộc phải thiêu hủy vì nhiễm virus Nipah vào năm 1999. Ảnh: Andy Wong/AP

Khoảng 1 triệu con lợn ở Malaysia đã buộc phải thiêu hủy vì nhiễm virus Nipah vào năm 1999. Ảnh: Andy Wong/AP

Tiến sĩ Puthiyaveettil Aravindan bày tỏ lo ngại về khả năng lây lan của virus này trong tương lai do sự thay đổi về gen có thể xảy ra, làm cho vật chủ trung gian mới xuất hiện thêm cũng như khiến cho virus nguy hiểm này dễ lây lan sang người hơn.

“Virus Nipah có thể nổi lên như một vấn đề toàn cầu tương tự như COVID-19 do hệ thống giao thương quốc tế, du lịch toàn cầu và biến đổi khí hậu đang khiến cho loài dơi di cư để tìm kiếm môi trường sống mới. Vì những lý do đó, chúng ta bắt buộc phải ‘phân lập những loài nào có nguy cơ cao’, ngoài ra cũng phải đặt câu hỏi liệu sẽ có thêm động vật ký chủ trung gian mới truyền bệnh hay không. Chừng nào chúng ta còn chưa hiểu biết được nhiều điều về nó thì không thể loại trừ khả năng sẽ bùng phát các đợt dịch bệnh mới”, ông Aravindan cảnh báo.

(NPR.org)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.