Ngày 12/6, tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam diễn ra Hội thảo ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm từ nguồn dược liệu quý Việt Nam. Buổi Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm trong lĩnh vực Dược phẩm và Mỹ phẩm.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Giám đốc Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược Mỹ phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã đưa ra các kết quả nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm trên các đối tượng tảo xoắn, đông trùng nuôi bằng tảo và dược liệu từ các HTX dược liệu Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Đức Bác cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực Dược Mỹ phẩm trong nhiều năm và các kết quả nghiên cứu về chất lượng của nguồn dược liệu bản địa vô cùng tuyệt vời. Câu chuyện còn lại là về kết nối thị trường của các nhà thương mại nhằm đưa các sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao tiêu thụ trong thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu, khẳng định một thương hiệu Việt có chất lượng cao tới cộng đồng quốc tế”.
Cũng tại buổi Hội thảo đã cho ra mắt hệ sinh thái sản phẩm từ tảo xoắn, Đông trùng hạ thảo nuôi bằng tảo xoắn Spirulina và dược liệu bao gồm 8 sản phẩm: Viên tảo xoắn VNUA PHYCO GOLD, Liquid nano collagen đông trùng hạ thảo COLLATARIS VNUA, Viên uống trắng da, chống nắng OPTIWHITE, Tảo bột nguyên chất, Đông trùng hạ thảo nuôi bằng tảo, viên uống bổ mắt Optieyes, Viên uống bổ phổi Andotaris VNUA. Các sản phẩm được Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Dược liệu Việt Nam (VNUA PHARMA) tiếp nhận để đưa ra thị trường Việt Nam.
Được biết, Công ty VNUA PHARMA là doanh nghiệp khoa học công nghệ được thành lập dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học và tri thức của các nhà khoa học hàng đầu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phí Thị Cẩm Miện, đại diện Công ty VNUA PHARMA cho biết: Ứng dụng công nghệ sinh học trong đổi mới nghiên cứu khoa học và đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đã và đang là vấn đề mà Đảng, nhà nước quan tâm hàng đầu hiện nay. Chúng tôi là các nhà khoa học trẻ đang trên hành trình nỗ lực kết nối giữa 4 nhà “nhà nông – nhà khoa học – nhà máy – nhà phát triển thị trường” nhằm khai thác tối đa các nguồn dược liệu bản địa, hỗ trợ người nông dân sản xuất định hướng.
"Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bằng sự nỗ lực và ý chí của tập thể và cá nhân, chúng ta sẽ đưa được giá trị nhân văn thực sự tới cộng đồng người Việt Nam, nhằm cải thiện sức khoẻ và sắc đẹp con người Việt Nam”, TS. Phí Thị Cẩm Miện nhấn mạnh.