Từ năm 2013, anh Hà xây dựng 4 dãy chuồng trại kiên cố và mua 6 con trâu giống về nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn trâu, anh trồng gần 1ha cỏ voi. Sau hơn một năm anh bán 6 con trâu lãi gần 120 triệu đồng.
Từ tiền lãi do nuôi trâu mang lại, anh tiếp tục mở rộng qui mô phát triển nuôi trâu vỗ béo. Từ năm 2016 đến nay, anh thường nuôi duy trì từ 17 - 20 con trâu.
Anh Lý Đức Hà bên chuồng nuôi trâu vỗ béo. |
Anh Hà cho biết: Muốn nuôi trâu vỗ béo thành công thì phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh như vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ, tiêm phòng vacxin… Nên tìm mua và vỗ béo các loại trâu đực có độ tuổi dưới 3 năm vì nếu nuôi vỗ béo trâu già sẽ cho hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài ra, cũng cần phải biết con trâu nào có hiện tượng bị nhiễm giun sán để có biện pháp tẩy giun sán kịp thời, trâu mới lớn nhanh và cho năng suất thịt cao. Trước khi bán ra ngoài thị trường từ 4 – 5 tháng, ngoài thức ăn thô xanh cần cho trâu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo có pha thêm nước muối loãng…
Ngoài chăn nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng, trong một tuần, anh Hà thường cho đàn trâu đi ra vườn đồi từ 3 đến 4 lần để chúng tự kiếm ăn. Đây chính là kỹ thuật để cho trâu tự vận động nhằm giảm thiểu bệnh tật và tăng sức đề kháng.
Với kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khoa học nên đàn trâu của anh Hà thường lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán trên 55 triệu đồng. Trong một năm, anh Hà thường bán trâu thành nhiều đợt và mua trâu đực gầy yếu về nuôi vỗ béo bổ sung.
"Mỗi năm gia đình bán ra thị trường từ 8 - 10 con trâu, bình quân mỗi con bán được từ 40 - 50 triệu đồng và tổng thu nhập đạt từ 400 – 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 250 triệu", anh Hà cho biết.
Mô hình nuôi trâu vỗ béo của anh Hà còn là điểm tham quan học tập của các đoàn nông dân, cựu chiến binh, các cấp hội phụ nữ…