Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải loạt bài về những khuất tất trong vụ đấu giá gần 7 triệu tấn quặng trị giá hơn 1.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM), doanh nghiệp này đã có thông cáo báo chí khẳng định việc hủy kết quả đấu giá ngày 21/4/2020.
Theo VTM, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 được Hội đồng thành viên VTM phê duyệt ngày 25/3/2020, ngày 21/4/2020 VTM đã thuê đơn vị có chức năng tổ chức đấu giá để thực hiện bán đấu giá số lượng quặng Deluvi (là quặng nghèo phát sinh trong quá trình khai thác quặng gốc) và quặng gốc Limonit đã được Hội đồng thành viên phê duyệt tiêu thụ trong năm 2020.
Sau khi xem xét lại quá trình thực hiện và phối hợp thực hiện với VTM của đơn vị tổ chức đấu giá, ngày 28/4/2020, VTM đã làm việc với các đơn vị trúng giá, đơn vị tổ chức đấu giá và đi đến thống nhất bằng biên bản việc hủy kết quả đấu giá ngày 21/4/2020.
Theo VTM, các bên không phát sinh bất kỳ yêu cầu nào về thanh toán chi phí, bồi thường cũng như cam kết không khiếu nại, khiếu kiện về sau. “Như vậy, cuộc đấu giá quặng ngày 21/4/2020 của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung đã được dừng, hủy và chưa phát sinh bất kỳ thiệt hại nào về kinh tế cho VTM cũng như các bên liên quan”, thông cáo của VTM nêu.
Trước đó, như Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, sau khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc VTM, ông Nguyễn Tiến Dũng đã rốt ráo thực hiện việc bán gần 7 triệu tấn quặng “nhằm lấy tiền trang trải chi phí hoạt động”. Quy trình thực hiện việc đấu giá được diễn ra rất thần tốc, bất chấp thời điểm đó cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19.
Ngày 30/3/2020, VTM đã tiến hành mời thầu công khai việc cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản của doanh nghiệp với yêu cầu, “hồ sơ chào cung cấp dịch vụ đấu giá gửi về trụ sở Công ty VTM chậm nhất là 15h00 ngày 2/4/2020”.
Ngày 3/4/2020, VTM và Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia (có địa chỉ đăng ký tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 18/2020. Sau đó một ngày, doanh nghiệp này đã ra Thông báo đấu giá tài sản với lô quặng Deluvi nguyên khai có khối lượng 4,969 triệu tấn và 2 lô quặng Limonit với tổng khối lượng 1,8 triệu tấn. Cả 3 lô quặng được tổ chức vào ngày 21/4/2020.
Cụ thể, phiên đấu giá 4.969.508 tấn quặng Deluvi diễn ra với mức giá khởi điểm được đơn vị tổ chức chào là 117.700 đồng/tấn. Chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi, Công ty TNHH Tiến Đại Phát, một doanh nghiệp gần như không liên quan nhiều đến hoạt động khoáng sản đã trở thành “người tham gia đấu giá trả giá cao nhất, hợp lệ và trúng đấu giá” với mức 131.500 đồng/tấn.
Tổng cộng Tiến Đại Phát trúng lô hàng gần 5 triệu tấn quặng với mức giá hơn 653,490 tỷ đồng.
Tương tự, 2 lô quặng Limonit với tổng số lượng 1,8 triệu tấn cùng được đấu giá thành công và cũng có cùng những dấu hiệu mờ ám.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (địa chỉ tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) do ông Nguyễn Văn Bình đại diện pháp luật trúng 800.000 tấn với tổng số tiền là 428,8 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Việt Phát (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) trúng 1 triệu tấn với giá 546 tỷ đồng.
Điều đáng ngạc nhiên là cả hai doanh nghiệp, trong 2 phiên đấu 2 lô quặng khác nhau nhưng đều trúng với đơn giá 546.000 đồng/tấn.
Trước những dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước trong các cuộc đấu giá tại VTM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đang vào cuộc làm rõ.
Trong văn bản gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam, cơ quan công an đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến pháp nhân của Tổng Công ty. Đáng chú ý là việc cung cấp toàn bộ các tài liệu có liên quan đến việc chỉ đạo, phê duyệt của các cấp, cơ quan chức năng và Tổng Công ty về việc bán 2 triệu tấn quặng Limonit và gần 5 triệu tấn quặng Deluvi của mỏ Quý Xa do VTM quản lý.
Đáng lưu ý, trước khi thực hiện phiên đấu giá, hàng loạt cơ quan chức năng đã có những văn bản yêu cầu VTM thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tuy nhiên tân Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng và các lãnh đạo VTM dường như không lưu tâm.
Ngày 6/4/2020, Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Thép Việt Nam(VNSTEEL) có văn bản gửi Tổng giám đốc VTM và người đại diện vốn của VNSTEEL tại VTM, yêu cầu nhiều nội dung liên quan tới chủ trương và phương án tiêu thụ quặng sắt năm 2020 của VTM.
Theo đó, ngoài việc khối lượng tiêu thụ tổng thể cần tuân theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định 1468/2017/QĐ-TTg và văn bản 1487/BCT-CN (ngày 4/3/2020) của Bộ Công thương và các quy định liên quan về công tác quản lý khoáng sản, VTM phải tính toán khối lượng phù hợp cho từng lần giao dịch để tối ưu hiệu quả, dòng tiền cho doanh nghiệp. Đối với khách hàng, VNSTEEL cũng yêu cầu ưu tiên các khách hàng sử dụng quặng trực tiếp cho sản xuất, chế biến.
Mặc dù vậy, trong các thông báo đấu giá tài sản mà Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia phát ra đều không có những nội dung này. Thậm chí, sau khi nhận được các yêu cầu của công ty mẹ, VTM và Công ty Đấu giá Hợp danh Quốc gia cũng không bổ sung điều kiện tham gia đấu thầu theo tinh thần mà VNSTEEL chỉ đạo.
Cùng với đó là các văn bản của Bộ Tài nguyên - Môi trường ngày 7/4/2020 gửi Thủ tướng chỉ rõ: Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung khai thác mỏ sắt Quý Xa nhưng cung cấp chưa đến 30% công suất cho Nhà máy Gang thép Lào Cai, quặng sắt tinh tại mỏ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chưa nhập đối lưu than coke.
Như vậy việc sử dụng, tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Quý Xa không phù hợp Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, không đúng yêu cầu địa chỉ sử dụng quặng sắt...
Hay văn bản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam gửi văn bản VTM ngày 27/3/2020 yêu cầu: Trong thời gian chờ Thủ tướng cho ý kiến về sử dụng quặng sắt của mỏ theo quy hoạch và dự kiến nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong nước, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, đề nghị VTM điều chỉnh công suất khai thác của mỏ theo hướng chỉ cung cấp cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Một mực khẳng định với Báo Nông nghiệp Việt Nam là không hề có sự đi đêm với các doanh nghiệp trúng đấu giá, tân Tổng Giám đốc VTM Nguyễn Tiến Dũng chỉ thừa nhận phiên đấu giá có vấn đề về mặt pháp lý và “do dịch Covid-19 nên phiên đấu giá gặp chuyện”. Ông Dũng khẳng định sẽ tổ chức đấu giá lại các lô quặng này.
Thông cáo báo chí của VTM khẳng định “chưa phát sinh bất kỳ thiệt hại”, tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản cho biết, đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong phiên đấu giá nghìn tỷ của VTM và đề nghị cơ quan công an làm rõ quy trình đấu giá động cơ của các bên liên quan.