| Hotline: 0983.970.780

Hưng Yên xử lý khẩn cấp điểm lún nứt đê tả sông Hồng

Thứ Tư 08/03/2017 , 09:42 (GMT+7)

Tuyến đê tả sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) xuất hiện vị trí đùn sủi, lún nứt nghiêm trọng, cần được xử lý trước mùa mưa bão 2017.

Tuyến đê trọng yếu

Đê tả sông Hồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho hàng triệu dân của tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần TP Hà Nội. Đây cũng tuyến giao thông huyết mạch phía Tây Nam của tỉnh, đi qua hàng chục xã của 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và TP Hưng Yên, khoảng 60 vạn dân sống xung quanh và gần 5.000 héc ta canh tác nông nghiệp ngoài bãi.

14-18-17_de-hung-yen-1
Điểm lún, nứt đê tả sông Hồng khá nghiêm trọng
 

Tuy nhiên, theo ông Hồ Trọng Khải – Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN-PTNT Hưng Yên) thì tuyến đê này hình thành cách đây hơn 200 năm; được tôn cao, mở rộng qua các năm. Do không được xử lý nền móng trước khi đắp, vào mùa mưa lũ, nhiều đoạn đê bị thấm qua nền đê và rò rỉ qua thân đê, gây hiện tượng đùn sủi, thẩm lậu, nứt, sạt trượt mái đê.

Nhất là đoạn từ K81+00 – K82+500 những năm 2001, 2002, 2003 và 2005 đã xảy ra sạt, trượt; từ K108+00 – K111+300 huyện Kim Động, khi nước sông lên mới báo động 1 đã xảy ra đùn sủi rộng hàng trăm m2 sát chân đê. Trong lịch sử, tuyến đê này đã có 18 năm vỡ đê liên tục.

Từ năm 2002, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo xử lý các sự cố nêu trên nhưng vẫn chưa khắc phục dứt điểm do nguồn vốn đầu tư khó khăn. Năm 2009, UBND tỉnh Hưng Yên đã thống nhất với Bộ NN-PTNT triển khai dự án đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương, củng cố tuyến đê tả sông Hồng đoạn từ K76+894 – K124+824 địa phận tỉnh Hưng Yên dài gần 42km (thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 – 2012).

Dự án hoàn thành đã tạo tuyến giao thông chạy dọc hướng Tây Nam, đáp ứng nhu cầu giao thông của nhân dân và lưu thông hàng hoá trong khu vực, giảm thiểu nguy cơ vỡ đê đột ngột khi lũ, bão vượt tần suất thiết kế,...
 

Khẩn cấp xử lý trước mùa lũ 2017

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và hoàn lưu cơn bão số 2 năm 2016, nhiều công trình đê điều, thuỷ lợi bị sạt lở, trong đó có các cung sạt trên tuyến đê tả sông Hồng.

Đặc biệt, vào tháng 11/2016 vết lún, nứt dọc đê tại vị trí K81+00 – K81+400 đê tả sông Hồng là nghiêm trọng, chiều rộng vết nứt có chỗ lên đến 1 – 2cm; toàn bộ mặt đê phía sông bị lún xuống, chỗ lệch lớn nhất tới 10 – 12cm.

Cách vị trí này khoảng 350m về phía hạ lưu, tháng 9/2016 cũng đã xuất hiện một cung trượt dài khoảng 200m, đỉnh cung sạt ở sát mép nhựa đường đê phía sông. Vị trí của các sự cố nêu trên nằm trong đoạn đê có tiền sử vỡ đê 18 năm liền trước đây. Ngay khi phát hiện sự cố, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh đã báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi xin ý kiến chỉ đạo.

Ngày 17/2/2017, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã ký Quyết định thành lập Hội đồng khoa học xác định nguyên nhân và phương án xử lý sự cố của đoạn đê trên.

Theo báo cáo của Viện Thuỷ công, nguyên nhân chính gây ra sự cố là do đoạn đê thuộc khu vực địa chất nên yếu (đã nhiều lần xảy ra sự cố vào những năm trước đây), đặc điểm địa chất thân đê và địa hình khu vực có nhiều yếu tố bất lợi, mật độ, tải trọng xe lưu thông trên đê lớn.

Bên cạnh đó, thân đê có nhiều hàm lượng bụi cộng hạt sét lớn dẫn đến nhạy cảm với trương nở, co ngót khi độ ẩm môi trường thay đổi, thường xảy ra giữa mùa mưa và mùa khô; dễ nhạy cảm khi xe chạy với tốc độ và trọng tải lớn. Căn cứ vào nguyên nhân, Hội đồng Khoa học xác định giải pháp xử lý sự cố trên bằng phương pháp đắp áp trúc bọc mái đê, lấp đầm ao tạo phản áp phía sông.

Theo ông Nguyễn Văn Doanh – GĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên: Thực tế, trong thời gian thi công mặt đường (chưa thể bàn giao cho Sở Giao thông- Vận tải Hưng Yên), tình trạng xe quá khổ, quá tải chở vật liệu xây dựng tại các điểm tập kết dọc đê diễn ra phổ biến. Mặc dù lực lượng chức năng đã mật phục, kiểm tra, xử phạt, nhưng tình trạng trên vẫn diễn biến rất phúc tạp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ lún, nứt tại các điểm xung yếu trên diễn ra nhanh hơn.

Ông Hồ Trọng Khải cho biết, Chi cục đang phối hợp với các đơn vị gấp rút hoàn thiện phương án xử lý cấp bách sự cố theo chỉ đạo của Bộ NN- PTNT nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2017 khi mùa lũ bão đang cận kề.

Trên cơ sở kết quả họp Hội đồng khoa học ngày 22/2/2017, ngày 1/3/2017, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng đã có văn bản số 1749/BNN-TCTL đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo rà soát với nội dung của dự án củng cố, nâng cấp đê sông Hồng, tỉnh Hưng Yên; hoàn thiện phương án xử lý cấp bách sự cố và tổ chức xử lý.

Trường hợp xử lý sự cố nằm ngoài nội dung của dự án, đề nghị UBND tỉnh huy động nguồn lực của địa phương để xử lý, nếu khó khăn về kinh phí đề nghị tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ để thực hiện đảm bảo kịp thời chống lũ năm 2017.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.