Cũng tại Hội nghị, Bộ NN-PTNT đã tiến hành công bố Quyết định phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ NN-PTNT ban hành ngày 27/2/2020.
Theo đó, Vụ Pháp chế xếp vị trí đầu tiên với số điểm 48,3/53, đạt tỷ lệ 91,13%. Tổng cục Lâm nghiệp đứng vị trí thứ 2 với với 72,8/80 điểm, đạt 91%. Vụ Kế hoạch đứng vị trí thứ 3 đạt 48,2/53 điểm, hoàn thành 90,94%.
Ba vị trí cuối cùng trong tổng số 21 đơn vị được đánh giá xếp loại chỉ số cải cách hành chính của Bộ NN-PTNT lần lượt là Vụ Quản lý doanh nghiệp đứng ở vị trí cuối cùng đạt 42,7/52 điểm, hoàn thành 82,12%. Vị trí áp chót là Vụ hợp tác Quốc tế đạt 42,1/51 điểm, hoàn thành 82,55%. Vị trí thứ 19 là Cục Quản lý xây dựng công trình 56,3/65 điểm, đạt 86,62%.
Về kết quả đánh giá chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ công trực tuyến năm 2019 của Bộ NN-PTNT. Kết quả khảo sát cho thấy có 88,18% số người được khảo sát hài lòng.
Xếp hạng chỉ số hài lòng theo lĩnh vực đánh giá, kết quả khảo sát cho thấy lĩnh vực Trồng trọt được sự đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp cao nhất trong số 7 đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiếp đó đến lĩnh vực Chăn nuôi và lĩnh vực Thú y.
Báo cáo cũng xếp hạng chỉ số hài lòng theo 22 tiêu chí đánh giá, theo đó “Địa chỉ cung cấp dịch vụ công trực tuyến được công bố rõ ràng” là tiêu chí có chỉ số hài lòng cao nhất (84,19%). Trong khi đó, “Thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị dễ dàng” có chỉ số hài lòng thấp nhấp (56,57%).
Các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến của Bộ cho thấy những phản hồi tích cực về việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhiều doanh nghiệp đánh giá việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện khai báo, sửa hồ sơ trực tuyến nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần; 2,1% số doanh nghiệp trả lời cho rằng công chức có gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc; 1,9% số phiếu trả lời cho rằng công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định; 17,2% khẳng định cơ quan hành chính trả kết quả trễ hẹn.
Lĩnh vực Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lĩnh vực duy nhất không có hồ sơ trễ hẹn. Trong khi đó, đứng đầu danh sách trễ hẹn là lĩnh vực Thú y với 26,8% hồ sơ trễ hẹn, tiếp đó là lĩnh vực Chăn nuôi (20,4%) Lâm nghiệp (20%), Bảo vệ thực vật (12,5%), Thủy sản (9,8%), Trồng trọt (7,6%).
Trong số doanh nghiệp bị trễ hẹn, chỉ có 35,7% doanh nghiệp nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn và 27,8% doanh nghiệp bị trễ hẹn nhận được thư xin lỗi của cơ quan về sự trễ hẹn.
Như vậy, còn nhiều đơn vị thực hiện không nghiêm, thậm chí là không thực hiện các quy định về thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cũng như không thông báo, xin lỗi người dân, tổ chức khi trễ hẹn.